Cuộc gặp củng cố vị thế Trung Quốc trước Nga

Mở đầu cuộc gặp trực tiếp lần thứ hai trong vòng 7 tháng, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15/9 nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng ông hiểu Bắc Kinh có “những câu hỏi và lo ngại” và chiến dịch quân sự ở Ukraine của Moskva, và sẽ giải thích về điều này trong cuộc trao đổi giữa hai lãnh đạo.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc không tiết lộ nội dung trao đổi sau đó của ông Putin và ông Tập tại cuộc họp ở Uzbekistan, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại thành phố Samarkand, Uzbekistan. Ông Tập cũng phát biểu đầu cuộc họp rằng hai nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và ủng hộ nhau bảo vệ “lợi ích cốt lõi”, mà không đề cập cụ thể tới cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ông Putin gặp ông Tập

Ông Putin gặp ông Tập

Ông Putin và ông Tập gặp nhau tại Samarkand, Uzbekistan hôm 15/9. Video: AFP.

Đây là cuộc gặp lần thứ 39 của hai lãnh đạo Nga – Trung kể từ khi ông Tập trở thành lãnh đạo Trung Quốc một thập kỷ trước. Trong thời gian đó, mối quan hệ giữa ông Tập và ông Putin được đánh giá là thân thiết, khi hai người từng cùng tổ chức sinh nhật và gọi nhau là “những người bạn tốt nhất”.

Khi gặp nhau hồi đầu tháng 2, trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, lãnh đạo hai nước khẳng định tình hữu nghị Nga – Trung là “không giới hạn”. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những gì được thể hiện trong cuộc gặp hôm 15/9 đã cho thấy mối quan hệ này đã thay đổi.

Jakub Jakobowski, thành viên cấp cao của chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông ở Warsaw, Ba Lan, cho rằng việc ông Putin công khai thừa nhận những quan ngại của Trung Quốc về khủng hoảng Ukraine là “dấu hiệu cho thấy thế cân bằng trong mối quan hệ đang thay đổi”.

Tổng thống Putin tới Uzbekistan dự hội nghị SCO sau khi quân đội Ukraine tiến hành chiến dịch phản công chớp nhoáng, liên tiếp đẩy lùi lực lượng Nga và giành lại nhiều phần lãnh thổ ở đông bắc đất nước.

Việc Ukraine tái chiếm hơn 6.000 km2 lãnh thổ, nhiều hơn những gì Nga kiểm soát được kể từ đầu tháng 4, được coi là một bước lùi lớn với chiến dịch quân sự được ông Putin phát động. Lãnh đạo Cộng hòa Chechnya Ramzan Kadyrov, đồng minh thân cận của ông Putin, thậm chí công khai chỉ trích các chỉ huy Nga “phạm sai lầm” dẫn đến việc phải rút quân khỏi Kharkov và kêu gọi quân đội Nga điều chỉnh chiến lược.

“Hội nghị thượng đỉnh SCO diễn ra vào thời điểm không thể tệ hơn với ông Putin. Sau những thất bại gần đây trên chiến trường, ngày càng nhiều người cho rằng Nga không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến”, Nigel Gould-Davies, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, nói.

Đối với ông Putin, cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới, là cơ hội để chứng minh Nga không bị cô lập như mong muốn của phương Tây, theo Alexander Gabuev, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.

“Nga dựa vào Trung Quốc để chứng minh với thế giới rằng mối quan hệ bền chặt của họ là minh chứng cho thấy nỗ lực cô lập Moskva trên trường quốc tế không thành công, bất chấp những lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây”, Velina Tchakarova, giám đốc Viện Chính sách An ninh và châu Âu ở Vienna, Áo, nói.

Trung Quốc được xem là điểm tựa cho kinh tế Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt từ phương Tây ngày càng tăng. Nga gần đây đã trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 30% trong 8 tháng đầu năm nay, theo Reuters.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp ở Samarkand, Uzbekistan hôm 15/9. Ảnh: AFP.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp ở Samarkand, Uzbekistan hôm 15/9. Ảnh: AFP.

Vào thời điểm quyết tâm của phương Tây chống lại Nga dường như đang trở nên cứng rắn hơn và viện trợ quân sự của các nước cho Ukraine ngày càng nhiều, sự hỗ trợ từ Trung Quốc, vốn được coi là đối trọng với phương Tây, chắc chắn rất có giá trị với ông Putin, theo chuyên gia Tchakarova.

Nga gần đây nhiều lần ca ngợi “thái độ cân bằng” của Trung Quốc. Tuần trước, Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện) ra tuyên bố về cuộc gặp giữa Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư với các nghị sĩ Nga tại Moskva, trong đó nói rằng Bắc Kinh “hiểu và ủng hộ Nga trong các vấn đề đại diện cho lợi ích sống còn của họ, đặc biệt về tình hình ở Ukraine”.

“Chúng tôi thấy rằng Mỹ và các đồng minh NATO đang mở rộng hiện diện gần biên giới Nga, đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia và cuộc sống của người dân Nga”, Duma Quốc gia Nga dẫn lời ông Lật.

Tuy nhiên, những bình luận này không được đề cập trong các tuyên bố chính thức của Trung Quốc về cuộc họp, đặt ra câu hỏi liệu Bắc Kinh có thật sự sẵn sàng hỗ trợ Moskva trong vấn đề Ukraine hay không.

Kerry Brown, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học King’s London, cho rằng Trung Quốc không muốn Nga bị sức ép trừng phạt của phương Tây khuất phục, nhưng Ukraine sẽ là vấn đề mà Bắc Kinh không muốn đề cập.

“Trung Quốc không tin tưởng NATO và phương Tây, nhưng điều đó không có nghĩa họ hoàn toàn ủng hộ Nga trong vấn đề này. Trung Quốc coi trọng những lợi ích riêng và xung đột Ukraine không mang lại lợi ích cho họ theo bất kỳ cách nào”, ông nói.

Giới quan sát cho biết việc Trung Quốc tăng cường trao đổi thương mại với Nga, nhập khẩu nhiều dầu và khí đốt từ nước này, cũng như thiết lập mặt trận chung chống NATO và phương Tây là những động thái vừa hỗ trợ Moskva, nhưng cũng mang lại lợi ích cho Bắc Kinh.

Những bước lùi gần đây của Nga trên chiến trường Ukraine, cũng như việc ông Putin bất ngờ thừa nhận lo ngại của Trung Quốc, cho thấy vị thế của Bắc Kinh đang ngày càng tăng trong mối quan hệ với Moskva, theo chuyên gia Gabuev.

Phái đoàn Nga và Trung Quốc gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Samarkand, Uzbekistan hôm 15/9. Ảnh: Sputnik.

Phái đoàn Nga (bên trái) và Trung Quốc gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Samarkand, Uzbekistan hôm 15/9. Ảnh: Sputnik.

Trong cuộc gặp hôm 15/9, ông Putin còn bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Trung Quốc đối với đảo Đài Loan. Căng thẳng ở eo biển Đài Loan gia tăng sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới thăm hòn đảo, khiến Trung Quốc phản ứng bằng loạt cuộc tập trận bắn đạn thật chưa từng có.

“Chúng tôi ủng hộ nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’, lên án các hành động khiêu khích của Mỹ và các đồng minh của họ ở eo biển Đài Loan”, ông Putin nói.

Cuộc gặp với ông Putin và những bình luận ủng hộ của lãnh đạo Nga được đưa ra chỉ vài tuần trước khi đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra, sự kiện mà ông Tập được cho là sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba.

“Chủ tịch Tập đã nhận được thông điệp mà ông cần trong cuộc gặp với ông Putin: sự ủng hộ rõ ràng của Moskva đối với chính sách Đài Loan của Trung Quốc và việc lên án Mỹ”, Jakobowski nói.

Mặc dù quan hệ đối tác Nga – Trung không dựa trên các giá trị chung như liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu, các chuyên gia cho rằng cả Moskva và Bắc Kinh đều hưởng lợi từ hoạt động tăng cường hợp tác, dù phần của Nga ít hơn một chút.

“Quan điểm của Nga là thà trở thành đối tác có ít lợi ích hơn trong quan hệ với Trung Quốc, còn hơn trở nên lép vế trước sức ép của phương Tây”, chuyên gia Gabuev nhận định.

Thanh Tâm (Theo CNN, FT, NBC News)

  • Nga – Trung sát cánh giữa sức ép phương Tây
  • Nga tìm kiếm đối tác né lệnh trừng phạt phương Tây

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*