Giáo hoàng bình luận về việc phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraine

“Đây là một quyết định chính trị có thể chấp nhận được về mặt luân lý, nếu được thực hiện trong điều kiện hợp đạo đức”, Giáo hoàng Francis ngày 15/9 trả lời truyền thông về câu hỏi liệu viện trợ vũ khí cho Ukraine có đúng về mặt đạo đức hay không, trên chuyến bay trở về Vatican sau chuyến thăm Kazakhstan kéo dài ba ngày.

Giáo hoàng viện dẫn nguyên tắc Chiến tranh Chính nghĩa của Giáo hội Công giáo La Mã, cho phép sử dụng tỷ lệ vũ khí sát thương tương xứng để tự vệ chống lại một quốc gia tấn công. “Tự vệ không chỉ hợp pháp mà còn thể hiện tình yêu với đất nước”, ông nói.

Giáo hoàng giải thích viện trợ vũ khí được coi là “vô đạo đức” nếu nước cung cấp làm vậy để kích động thêm xung đột, bán vũ khí hoặc thải loại vũ khí mà họ không còn cần nữa.

Giáo hoàng Francis trả lời truyền thông trên chuyến bay trở về Rome, ngày 15/9. Ảnh: AFP.

Giáo hoàng Francis trả lời truyền thông trên chuyến bay trở về Rome, ngày 15/9. Ảnh: AFP.

Ông cũng kêu gọi Kiev cởi mở đối thoại đến cùng, mặc dù điều này có thể “khó khăn” đối với Ukraine. “Nên luôn sẵn sàng bước về phía trước với một bàn tay dang rộng. Bởi vì nếu không làm vậy, chúng ta sẽ đóng cánh cửa hợp lý duy nhất dẫn đến hòa bình”, Giáo hoàng nói.

Trước đó, Giáo hoàng Francis cho rằng ngành công nghiệp vũ khí có thể là một trong số các động lực dẫn tới chiến tranh, cần từ bỏ tư duy người tốt – kẻ xấu khi đánh giá về xung đột.

Ông hồi tháng 5 cho rằng “sự tức giận” ở Điện Kremlin có thể được tạo ra bởi sự đe dọa của NATO trước “cửa nhà” Nga nhưng bác bỏ quan điểm cho rằng ông ủng hộ Tổng thống Putin. Giáo hoàng cũng ca ngợi người Ukraine là “dân tộc dũng cảm” khi chiến đấu chống lại chiến dịch quân sự của Moskva.

Xe phóng đạn HIMARS do Mỹ viện trợ được Ukraine triển khai chiến đấu hồi đầu tháng 7. Ảnh: Reuters.

Xe phóng đạn HIMARS do Mỹ viện trợ được Ukraine triển khai chiến đấu hồi đầu tháng 7. Ảnh: Reuters.

Các quốc gia phương Tây đã cung cấp nhiều khí tài cho Ukraine, kể từ khi chiến sự bùng phát ngày 24/2. Mỹ là bên hỗ trợ nhiều nhất, với 15 tỷ USD viện trợ an ninh. Hồi đầu tháng 9, Nhà trắng đề nghị phân bổ thêm 11,7 tỷ USD hỗ trợ quân sự Kiev đầu năm 2023.

Quân đội Ukraine gần đây mở đợt phản công chớp nhoáng tại tỉnh Kharkov, miền đông bắc nước này, tuyên bố tái kiểm soát 6.000 km2 lãnh thổ kể từ đầu tháng 9.

Điện Kremlin ngày 14/9 cảnh báo Nga sẽ tăng cường độ chiến dịch quân sự nếu Ukraine ký thỏa thuận đảm bảo an ninh với Mỹ và phương Tây, đề cập một tài liệu kêu gọi các nước phương Tây cung cấp “nguồn lực chính trị, tài chính, quân sự và ngoại giao” để nâng cao năng lực tự vệ của Ukraine trong những năm trước khi gia nhập NATO.

Cục diện chiến trường Ukraine sau hơn 6 tháng giao tranh. Đồ họa: WP.

Cục diện chiến trường Ukraine sau hơn 6 tháng giao tranh. Đồ họa: WP.

Đức Trung (Theo Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*