Theo Tổng thống Volodymyr Zelensky, kể từ đầu tháng 9, các binh sĩ Ukraine đã giải phóng 6.000 km2 lãnh thổ ở miền đông và miền nam đất nước và đang ngày càng tiến xa hơn trong chiến dịch phản công bất ngờ, chóng vánh ở tỉnh Kharkov, đông bắc đất nước.
Lực lượng Nga đã không khỏi choáng váng về tốc độ cũng như quy mô chiến dịch mà Kiev đang triển khai. Quân đội Ukraine cho hay binh sĩ Nga đã vội vàng rút về phía đông, tới biên giới nước này bằng bất cứ phương tiện nào mà họ có thể tìm thấy.
Tổn thất mà Nga hứng chịu trong chiến dịch phản công của Ukraine khá nặng nề. Theo quân đội Ukraine, tính đến ngày 13/9, Nga đã mất gần 600 khí tài hạng nặng, trong đó có nhiều xe tăng, thiết giáp, pháo bị phá hủy hoặc bỏ lại trên đường rút lui.
Nga chưa bình luận về những tổn thất này, nhưng tuyên bố họ đã gây thương vong cho hơn 4.000 binh sĩ Ukraine trong đợt phản công ở Kharkov.
Theo các nhà phân tích, tổn thất của Nga là kết quả của hai yếu tố: Một chiến dịch phản công được Ukraine chuẩn bị kỹ lưỡng và tăng cường sức mạnh bằng vũ khí hiện đại từ phương Tây, cùng một lực lượng Nga bộc lộ nhiều sơ hở trong thế trận phòng thủ và gặp phải các vấn đề về hậu cần cũng như tinh thần chiến đấu.
Kể từ tháng 6, vũ khí hiện đại, tầm bắn xa của phương Tây bắt đầu ồ ạt được chuyển tới Ukraine, trong số đó nổi bật là pháo phản lực HIMARS của Mỹ, với khả năng ngắm bắn chính xác và độ cơ động cao, giúp nó né đòn phản pháo của Nga một cách hiệu quả.
Ukraine đã sử dụng chúng rất linh hoạt để tập kích các mục tiêu có giá trị cao, như tuyến tiếp tế, kho đạn và sở chỉ huy Nga. “Quân đội Ukraine đã tận dụng HIMARS và các hệ thống tầm xa khác từ phương Tây để vô hiệu hóa tuyến liên lạc mặt đất của Nga ở Kharkov và Kherson, tạo tiền đề cho thành công của chiến dịch”, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trụ sở ở Mỹ, cho biết trong báo cáo ngày 11/9.
“Pháo binh tầm xa của Ukraine hiện có khả năng tấn công các đoạn sông Dnieper thường xuyên đến mức Nga không thể sửa chữa các cây cầu bị hư hỏng”, Bộ Quốc phòng Anh hôm 13/9 nhận định.
Theo Trent Telenko, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, lực lượng Ukraine còn tăng cường HIMARS để phá hủy các kho vũ khí lớn của Nga gần những tuyến đường sắt phía sau chiến tuyến.
Điều này có nghĩa Nga phải sử dụng xe tải để chuyển pháo và đạn dược đến những kho nhỏ hơn, khiến việc phân phối chúng cho tiền tuyến trở nên khó khăn hơn, Telenko nói. Khi Ukraine bắt đầu đợt phản công chớp nhoáng, pháo binh Nga không thể chi viện hỏa lực đủ nhanh để ngăn chặn, vì lực lượng của họ quá phân tán.
Nhưng vũ khí hiện đại phương Tây không phải yếu tố duy nhất thúc đẩy đà phản công của Ukraine, ISW nhận xét. Một chiến dịch “tung hỏa mù” quy mô lớn được Ukraine tiến hành trong nhiều tháng ở mặt trận Kherson, miền nam nước này, đã khiến Nga bộc lộ vô số sơ hở trong phòng tuyến.
Từ cuối tháng 7, Nga dường như sập bẫy nghi binh của Ukraine, khi rút các đơn vị thiện chiến nhất ở Kharkov và mặt trận miền đông xuống củng cố phòng tuyến tại Kherson, sẵn sàng đón lõng lực lượng phản công của Ukraine. Kết quả là lực lượng phòng thủ ở Kharkov bị dàn mỏng đến mức không thể đảm bảo khả năng chống trả khi bị phản kích.
“Những tuyên bố công khai, rầm rộ của Ukraine về một cuộc phản công ở Kherson đã thu hút đáng kể binh lực Nga khỏi vùng đông bắc, mở ra cánh cửa cho Kiev tiến hành các đợt tấn công quyết đoán vài ngày qua”, ISW cho hay.
Khi các đơn vị lớn ở Kharkov phải di chuyển xuống miền nam, quân đội Ukraine có cơ hội thăm dò các điểm yếu trong phòng tuyến của Nga, cựu tướng quân đội Mỹ Mark Hertling nói.
“Những gì họ có thể làm là cử các nhóm trinh sát nhỏ để tìm địa điểm tối ưu cho mũi đột phá lớn, dùng xe tăng và pháo binh chọc thủng phòng tuyến đối phương, mở toang cánh cửa tiến vào vùng hậu cứ của Nga”, ông cho biết thêm.
Khi Nga vội vàng rút lui, những vũ khí, đạn dược, nhiên liệu và vật tư mà họ bỏ lại càng giúp mũi phản công của Ukraine củng cố lực lượng, bổ sung sức mạnh để tiếp tục đà tiến đến mục tiêu tiếp theo.
Trong khi đó, lực lượng Nga phòng thủ ở Kharkov gần như thiếu vắng sự yểm trợ từ không quân, theo các nhà phân tích.
Richard Hooker Jr., chuyên gia từ Hội đồng Đại Tây Dương, hồi tháng trước cho hay Ukraine đã kết hợp các hệ thống phòng không cũ của mình với các khí tài mới hơn từ Mỹ và Đức để “vô hiệu hóa phần lớn không lực Nga”.
“Ukraine đã thành công xuất sắc trong việc đánh bại ưu thế trên không của Nga với khả năng phòng không cực kỳ hiệu quả và chiến lược ‘chống xâm nhập'”, ông viết.
Trong khi đó, những gì diễn ra ở Kharkov vài ngày qua cho thấy Nga vẫn chưa khắc phục được các vấn đề về cấu trúc chỉ huy cứng nhắc, thiếu linh hoạt, chuỗi hậu cần không phù hợp và khí tài không được bảo trì đúng mức, ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của binh sĩ.
Ngay cả Ramzan Kadyrov, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, một đồng minh thân cận với Điện Kremlin, cũng tỏ ra thất vọng với các sĩ quan chỉ huy Nga ở Kharkov, cho rằng họ đã “phạm sai lầm và cần rút ra bài học cần thiết”.
“Nếu không có thay đổi nào được đưa ra trong vài ngày tới, tôi sẽ phải đối thoại với lãnh đạo đất nước và Bộ Quốc phòng để giải thích tình hình thực địa. Đây là tình huống đáng quan tâm và gây kinh ngạc”, ông nói.
Mick Ryan, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng những lần rút lui liên tiếp và chóng vánh của lực lượng Nga sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới ý chí chiến đấu của binh sĩ. Họ sẽ rất khó tin được rằng lãnh thổ đã giành được trong nhiều tháng qua lại bị đối phương chiếm lại phần lớn chỉ trong một tuần.
“Niềm tin của các binh sĩ Nga với chỉ huy quân sự cấp cao có thể sẽ suy giảm hơn nữa”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm 12/9.
Theo giới phân tích, đà phản công của Ukraine còn khiến Nga gặp không ít khó khăn trong việc luân chuyển quân trên tiền tuyến. Câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là liệu Nga có đủ số binh sĩ cần thiết để đưa ra chiến trường hay không.
CNN hồi tháng 7 đưa tin Nga đã thành lập Quân đoàn số Ba với hơn 30.000 lính tình nguyện trên khắp đất nước để tham gia chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nhưng theo Kateryna Stepanenko, nhà nghiên cứu về Nga tại ISW, những tân binh này nếu được tung vào Ukraine cũng mang đến rất ít tác động trên chiến trường, bởi họ chưa có đủ thời gian huấn luyện cần thiết.
“Huấn luyện ngắn hạn khó lòng biến những lính tình nguyện không có kinh nghiệm thành binh sĩ chiến đấu hiệu quả trong bất kỳ đơn vị nào”, Stepanenko nhấn mạnh.
Gần 600 khí tài Nga bị phá hủy, hư hỏng hay bị bỏ lại trên chiến trường trong những ngày qua cũng không dễ dàng thay thế, trong bối cảnh ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Nhà phân tích quân sự Jakub Janovsky, người đóng góp tích cực cho trang tình báo mã nguồn mở Oryx, cho rằng Nga vẫn duy trì được năng lực sản xuất quốc phòng, nhưng sẽ thiếu các bộ phận tốt nhất cho vũ khí của họ.
“Do lệnh trừng phạt, họ có thể phải thay thế cảm biến và thiết bị điện tử hiện đại bằng những loại có chất lượng kém hơn. Thêm vào đó, lượng khí tài Nga có thể sản xuất trong thời gian tới không thể bù đắp được cho những gì họ đang để mất”, ông cho hay.
Bởi vậy, giới quan sát đánh giá lợi thế đang nghiêng về phía Ukraine, ít nhất là trong ngắn hạn. Nhưng chuyên gia Ryan từ CSIS vẫn tỏ ra thận trọng.
“Còn quá sớm để nói Ukraine sẽ thắng, bởi Nga vẫn có tiềm lực và khả năng đáp trả. Những khu vực rộng lớn ở miền đông và miền nam Ukraine vẫn do Nga kiểm soát. Kiev đã giành được những kết quả đáng chú ý, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước”, Ryan nói.
Vũ Hoàng (Theo CNN, WSJ)
- Dân làng Ukraine kể khoảnh khắc quân Nga rút chạy
- Tổn thất Ukraine hứng chịu trong chiến dịch phản công Nga
- Thách thức với Nga trước đà phản công của Ukraine
- Chìa khóa có thể giúp Ukraine giữ đà phản công ở Kherson
Để lại một phản hồi