Tuần cuối trước kỳ nghỉ lễ, thị trường giao dịch thận trọng, thể hiện qua khối lượng giao dịch khớp lệnh giảm nhiều so với trung bình 20 phiên. Sau nhịp rung lắc phiên cuối tháng 6, kỳ vọng bứt phá vượt vùng cản 1.300 điểm của VN-Index, 1.325 điểm của VN30 chưa thành hiện thực.
Dẫu vậy, thị trường vẫn luôn có cơ hội ngắn hạn luân chuyển, điển hình sau màn trình diễn của bất động sản khu công nghiệp, đến thép, đến dầu khí, thì tuần cuối tháng 8 có diễn biến tích cực của điện, thủy sản, ngân hàng…
Điểm tích cực trong tháng 8 là khối ngoại chuyển vị thế bán ròng sang mua ròng, với giá trị mua ròng 980 tỷ đồng. Trong đó, SSI dẫn đầu quy mô mua ròng của khối ngoại với 646 tỷ đồng, PVD được mua ròng hơn 471,8 tỷ đồng và một vài mã ngân hàng khác như HDB 453,7 tỷ đồng, STB 345 tỷ đồng, CTG 326,3 tỷ đồng, SHB 162,8 tỷ đồng…, cũng như ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG 453,7 tỷ đồng, VNM 280,4 tỷ đồng, NLG 177,5 tỷ đồng, FTS 168,2 tỷ đồng…
Trên HNX, PVS được mua ròng 79,3 tỷ đồng, IDC 29,4 tỷ đồng, TNG 16,7 tỷ đồng, nhưng cũng bán ròng ở VCS 26,8 tỷ đồng… Trên UpCOM, khối ngoại bán ròng 229 tỷ đồng với khối lượng bán ròng 10,4 triệu cổ phiếu, trong đó, BSR bị bán ròng 277,3 tỷ đồng, QNS bị bán ròng 71,9 tỷ đồng, SIP bán ròng 28,9 tỷ đồng.
Tổng kết tháng 8, VN-Index kết thúc ở 1.280,51 điểm, tăng 6,15% so với tháng 7, duy trì tháng thứ 2 liên tiếp tăng điểm, khối lượng giao dịch cải thiện gia tăng tích cực.
Kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng điểm hướng đến vùng kháng cự tâm lý quanh 1.300 điểm trong tháng tiếp theo.
Theo chuyên gia Công ty Chứng khoán SHS, hiện tại, chỉ số VN-Index đang hình thành kênh tăng giá với cạnh dưới kênh nối vùng đáy 1.142 – 1.145 điểm ngày 7, 11/7/2022; 1.178,58 điểm ngày 27/7/2022 và 1.249,17 điểm ngày 29/8/2022. Vùng hỗ trợ của kênh tăng giá này hiện tại là 1.260 – 1.270 điểm, cạnh trên kênh tăng giá là vùng kháng cự tâm lý quanh 1.300 điểm.
Trên góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất, trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế vẫn được duy trì. Qua đó vẫn duy trì những cơ hội đầu tư tăng trưởng tốt. Nhà đầu tư tỷ trọng hợp lý xem xét chọn lọc giải ngân, tích lũy đối với những cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng trong quý III/2022, đang thu hút dòng tiền ngắn hạn gia tăng.
Quan điểm của ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCK Kiến thức Việt Nam (VNSI), nhà đầu tư nên kỳ vọng thị trường tích cực trong tháng 9, và câu chuyện nới room sẽ phản ứng tích cực nhất, còn sau đó sẽ không nhiều. Và nên lưu ý, thị trường chỉ dựa vào nhóm ngân hàng thì chưa đủ động lực để lên dài và ước tính, cả sóng này có lẽ lên được vùng 1.300 – 1330 diểm.
Dư địa cho đà tăng điểm trong tháng 9 là phản ánh tiếp về GDP tăng trưởng cao, phản ánh câu chuyện cấp lại room tín dụng, kỳ vọng tăng lãi suất sẽ giảm dần thời gian tới….Nhưng sang tháng 10, ít động lực hơn, chưa có nhiều cơ sở để kỳ vọng.
Tâm lý thận trọng thực ra vẫn được nâng cao. Vấn đề nhen nhóm ở câu chuyện Fed tăng lãi suất (công bố ngày 21/9) chậm lại rất rõ nét từ năm 2023, nhưng quý IV, áp lực dòng tiền của doanh nghiệp cũng rất lớn, nên đây cũng là điểm mà nhà đầu tư e ngại, cũng bởi thế, dòng tiền khó bứt phá.
Để lại một phản hồi