Người dân mua sắm bên trong một siêu thị ở thành phố Rosemead, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,1% trong tháng 8 và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không tính chi phí lương thực và năng lượng, CPI của Mỹ chỉ tăng 0,6% so với tháng 7 và 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, Dow Jones cho biết các nhà kinh tế dự đoán lạm phát toàn phần của Mỹ trong tháng 8 sẽ giảm 0,1% và lạm phát lõi tăng 0,3%. Còn so với cùng kỳ năm trước, lạm phát toàn phần và lạm phát lõi tháng 8 ước tăng lần lượt 8% và 6%.
Trên thực tế, giá năng lượng tháng 8 tại Mỹ đã “hạ nhiệt” 5%, kéo chỉ số giá xăng dầu giảm 10,6%. Tuy nhiên, các mức giảm này đã không xoa dịu được mức nhiệt gia tăng của giá cả các mặt hàng khác.
Điển hình, giá lương thực tại Mỹ đã tăng tới 0,8% trong tháng 8 và chi phí thuê nhà – chỉ số chiếm khoảng 1/3 tỷ trọng trong CPI – tăng 0,7% so với tháng 7 và tăng 6,2% so với một năm trước. Thêm vào đó, giá dịch vụ chăm sóc y tế cũng vọt lên khi tăng tới 0,8% trong tháng 8 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch 13/9 sau thông tin lạm phát tăng cao hơn dự báo. Đơn cử, hợp đồng tương lai chỉ số Dow Jones đã giảm gần 350 điểm, mặc dù trước đó đã tăng mạnh trong phiên.
“Kết quả chỉ số CPI công bố ngày hôm nay (13/9) là một lời nhắc nhở rất rõ về chặng đường dài mà chúng ta phải đương đầu cho đến khi lạm phát giảm trở lại”, ông Mike Loewengart, Trưởng bộ phận xây dựng danh mục đầu tư tại Văn phòng đầu tư toàn cầu của Morgan Stanley cho biết. “Những kỳ vọng đáng mơ ước rằng chúng ta đang trên một quỹ đạo (lạm phát) đi xuống và Fed sẽ chùn bước có thể là hơi sớm”, ông Mike Loewengart bình luận.
Ngược dòng với chứng khoán, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ lại bật cao với trái phiếu kỳ hạn 2 năm tăng 0,13 điểm phần trăm lên 3,704%.
Thị trường tài chính Mỹ đang đặt nhiều kỳ vọng vào việc Fed sẽ thông qua phương án tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tuần tới. Theo dữ liệu của CME Group, sau khi chỉ số CPI tháng 8 được công bố, các nhà giao dịch đã loại bỏ hoàn toàn phương án Fed sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm và thậm chí họ dự đoán 10% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 1 điểm phần trăm.
“Họ (Fed – BTV) đang xem xét lạm phát đến từ đâu”, Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng tại Công ty tài chính LPL Financial cho hay. “Điều rất rõ ràng rằng nó đến từ thực phẩm, từ phương tiện đi lại và thuê nhà. Chi phí thuê nhà tiếp tục tăng cao hơn. Đó là điều khó khăn nhất mà Fed đang đương đầu ở thời điểm này”, đại diện LPL Financial lập luận.
Cần nhắc lại rằng sau khi đạt đỉnh trên 5 USD/gallon vào mùa hè này, giá xăng tại Mỹ đã giảm mạnh. Tuy vậy, chi phí sinh hoạt, giá thực phẩm và chi phí thuê nhà tiếp tục tăng cao, làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát tại Mỹ từng tập trung, nay đang chuyển sang trạng thái bắt đầu lan rộng.
Trong bối cảnh chi phí thực phẩm tăng vọt, giá bánh mì tại Mỹ đã tăng 2,2% trong tháng 8 và tăng 16,2% so với một năm trước. Trong khi đó, giá trứng tăng 2,9% trong tháng 8 và nhảy vọt 39,8% trong một năm qua.
Ứng phó với lạm phát tăng kỷ lục trong hơn 40 năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện 4 đợt lãi suất cơ bản kể từ đầu năm, với tổng cộng mức tăng là 2,25 điểm phần trăm. Chỉ số CPI công bố ngày 13/9 được đánh giá là không tác động nhiều đến các quyết sách của Fed tại cuộc họp vào tuần tới, bởi cơ quan này khẳng định quyết tâm “hạ cánh mềm” với tham vọng kiềm chế lạm phát mà không làm suy giảm kinh tế.
Để lại một phản hồi