Liên hợp quốc tổ chức họp về Nord Stream 1 và 2
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 28/9 cho biết, Nga đề nghị triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về thiệt hại đối với hai đường ống dẫn khí đốt dưới biển Nord Stream 1 và Nord Stream 2.
Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky cũng cho hay: “Nga đã yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do các hành động nhằm vào hai dòng của Nord Stream. Chúng tôi đang mong đợi nó được tổ chức vào ngày mai“.
Đáp lại phản ứng của Nga, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc họp vào thứ 6 30/9 theo yêu cầu của Moscow để thảo luận về thiệt hại đối với hai đường ống dẫn khí đốt của Nga đến châu Âu.
Hiện các bên vẫn chưa có manh mối về nguyên nhân gây ra sự cố.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đề nghị Liên hợp quốc họp khẩn về Nord Stream. Ảnh: Reuters
Đường ống dẫn khí đốt của Nga mất nhiều thời gian khôi phục
Hãng tin RT (Nga) cho biết, việc 2 đường ống dẫn khí đốt ở Biển Baltic bị rò rỉ cùng lúc là chưa từng có và phía công ty quản lý từ chối cung cấp thông tin về thời điểm chúng có thể hoạt động trở lại.
“Việc phá hủy xảy ra đồng thời cùng ngày với 3 dây dẫn khí đốt ngoài khơi của hệ thống Nord Stream là chưa từng có. Hiện vẫn chưa thể xác định thời gian khôi phục cơ sở hạ tầng truyền dẫn khí đốt“, nhà điều hành Nord Stream AG cho biết.
Hôm 26/9, các nhà chức trách Đan Mạch đã phát hiện một vụ rò rỉ khí gần đảo Bornholm ở Biển Baltic và đóng cửa một khu vực rộng 5 hải lý (9,26km) xung quanh địa điểm này. Phát hiện này được công bố ngay sau khi đường ống Nord Stream 2 bị mất áp suất nghiêm trọng trong một đêm.
Phát ngôn viên Ulrich Lissek của công ty điều hành Nord Stream cho biết một “vùng bong bóng lớn gần Bornholm” đã được phát hiện nhưng “đường ống này chưa từng được sử dụng, chỉ được chuẩn bị cho hoạt động kỹ thuật nên chứa đầy khí đốt”.
Đến hôm 27/9, Cục Hàng hải Thụy Điển cũng thông báo, đường ống Nord Stream 1 ở phía đông bắc đảo Bornholm ở vùng biển Thụy Điển và Đan Mạch cũng phát hiện sự cố rò rỉ.
“Có hai vụ rò rỉ ở đường ống Nord Stream 1 – một ở khu kinh tế Thụy Điển và một ở khu kinh tế Đan Mạch. Chúng ở rất gần nhau“, một phát ngôn viên của Cục Hàng hải Thụy Điển cho biết.
Tờ Tagesspiegel (Đức) hôm 27/9 dự đoán, đường ống Nord Stream có thể đã bị hư hại do các cuộc tấn công. “Áp suất trong hai đường ống dẫn khí mất cân bằng nhanh chóng và liên tiếp có thể đã xảy ra do một hành động có chủ đích“, tờ này viết.
Các chuyên gia cho biết việc sửa chữa trên cả hai đường ống có thể mất tới vài năm.
Rò rỉ từ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 ở ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch. Ảnh: Getty
Châu Âu cam kết bảo vệ hạ tầng cơ sở năng lượng
Tờ CNBC News đưa tin, trong một tuyên bố chung, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell hôm 28/9 cho biết, khối này quan ngại sâu sắc về thiệt hại đối với các đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 kết nối Nga với Đức qua Biển Baltic.
“Tất cả thông tin có sẵn đều chỉ ra rằng những vụ rò rỉ này là kết quả của một hành động có chủ ý. Chúng tôi sẽ hỗ trợ bất kỳ cuộc điều tra nào nhằm làm rõ điều gì đã xảy ra và tại sao, đồng thời sẽ thực hiện các bước tiếp theo để tăng khả năng phục hồi của chúng tôi trong an ninh năng lượng“, ông Borrell nói. “Bất kỳ sự cố ý nào làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu là hoàn toàn không thể chấp nhận được và sẽ được đáp trả bằng một phản ứng mạnh mẽ và thống nhất“.
Na Uy – quốc gia thay thế Nga trở thành nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất vào EU đang triển khai quân đội tới các cơ sở khai thác dầu khí nhằm nâng cao mức độ sẵn sàng của mình.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho biết, do các đường ống có khả năng bơm khoảng 165 triệu mét khối khí nặng mêtan mỗi ngày nenen sự rò rỉ ở quy mô hiện nay là một mối nguy nghiêm trọng về an toàn và môi trường.
Cảnh sát Thụy Điển hôm 27/9 đã bắt đầu một cuộc điều tra liên quan đến Nord Stream.
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng hơn 15% trong hai ngày qua lên khoảng 205 euro mỗi megawatt giờ, mức cao nhất trong gần hai tuần.
Để lại một phản hồi