Liên tục giảm mạnh, thị trường liệu có về 1.000 điểm?

Thị trường chứng khoán khởi đầu tuần mới bằng một phiên giao dịch đầy biến động. Tâm lý kém tích cực trong phiên cuối tuần trước dường như vẫn chưa được “cởi trói” khiến áp lực bán dồn dập bung mạnh ngay trong đầu phiên hôm nay. Thông tin NHNN tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % vẫn tác động nặng nền đến tâm lý thị trường, ảnh hưởng mạnh nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản. Việc hai nhóm cổ phiếu trụ đồng loạt lao dốc khiến VN-Index có thời điểm mất hơn 40 điểm.

Kết phiên, VN-Index thu hẹp đà giảm xuống còn gần 29 điểm, dừng chân tại mốc 1.174 điểm. Tuy nhiên, việc để mất mốc 1.200 điểm – ngưỡng hỗ trợ quan trọng được giới phân tích dự báo khó xuyên thủng cũng khiến thị trường chung tiêu cực hơn.

Đà giảm của nhóm VN-30 trong phiên hôm nay cũng là nguyên nhân khiến thị trường giảm mạnh. Cụ thể, trong 27/30 mã giảm, có đến 16 cổ phiếu giảm sâu trên 2%. Hàng loạt trụ cột chính cho thị trường như VRE, CTG, SSI, POW,… đều ghi nhận mức giảm trên 4,5%. Chỉ có duy nhất hai mã VIB và GAS duy trì sắc xanh với mức tăng lần lượt là 1,1% và 1%, nhưng mọi nỗ lực tăng điểm cũng không đủ để “gồng gánh” đà giảm của thị trường. Sắc đỏ bao phủ thị trường khi số mã giảm điểm hoàn toàn thắng thế với 871 mã, gấp 5,5 lần so với cổ phiếu tăng giá.

Bàn về nguyên nhân thị trường giảm mạnh trong phiên hôm nay, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng đà giảm của phiên hôm nay là “giọt nước tràn ly” khi tâm lý tiêu cực đã dồn nén từ phiên thứ Sáu tuần trước.

Theo đó, tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước những diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán Mỹ. Cụ thể, chứng khoán Mỹ cũng đồng loạt giảm mạnh khi nhà đầu tư lo ngại lãi suất tăng cao và biến động thất thường trên thị trường ngoại hối sẽ gây ra suy thoái toàn cầu. Đặc biệt, chỉ số Dow jones ghi nhận mức giảm hơn 400 điểm, xuyên thủng mốc 30.000.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng tiếp tục phản ứng mạnh với động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Áp lực bán mạnh mẽ diễn ra tại hai nhóm ngành trụ cột là ngân hàng và bất động sản như “liều doping” khiến VN-Index càng giảm mạnh. Thực tế, nhóm cổ phiếu ngân hàng từng được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh và trở thành trụ cột nâng đỡ thị trường. Tuy nhiên, động thái tăng lãi suất cộng thêm mức rới room tín dụng không được như kỳ vọng đã tạo hiệu ứng “dội ngược”, kích hoạt nên đà giảm của nhóm này. Riêng nhóm cổ phiếu bất động sản cũng nhiều thông tin tiêu cực và KQKD dự báo tiếp tục tăng trưởng âm.

Dự báo về thị trường trong những phiên tiếp theo, ông Nguyễn Thế Minh đưa ra 2 kịch bản.

Thứ nhất, kịch bản cơ sở là thị trường sẽ tiệm cận vùng đáy cũ 1.142 điểm sau đó sẽ phục hồi dưới ngưỡng 1.200 điểm. Ông Minh cho rằng khả năng này chiếm đến 70%. Sở dĩ, chuyên gia Yuanta cho rằng câu chuyện về lạm phát đã hạ nhiệt, tâm lý nhà đầu tư chủ yếu lo sợ những động thái tăng lãi suất của Fed. Với sự hạ nhiệt của lạm phát có khả năng Fed sẽ mềm tay hơn trong những tăng lãi suất đợt tới.

Bên cạnh đó, về định giá, từ 2013 đến nay có 2 lần P/E thị trường rơi về mốc dưới 12 lần và đây là lần thứ 3. Như vậy, với mức định giá này, dòng tiền bắt đáy kích hoạt khiến chỉ số không giảm quá mạnh.

Thứ hai, kịch bản VN-Index xuyên thủng vùng đáy cũ và về vùng 1.000 điểm. Chuyên gia cho rằng khả năng này khó có thể xảy ra, bởi thông tin tiêu cực đã được phản ánh phần nào và định giá rơi về mức thấp sẽ khiến thị trường giảm sâu hơn.

Hơn nữa, dù nền kinh tế Mỹ đón nhận nhiều thông tin tiêu cực về vĩ mô, song chỉ số Dow jones vẫn chưa xuyên thủng mức đáy tháng 6. Vĩ mô Việt Nam lại vượt trội hơn các quốc gia khác, do đó không dễ để thị trường giảm sâu và mạnh thủng vùng đáy cũ. Do đó, chuyên gia cho rằng chưa có yếu tố nào đủ mạnh để khiến thị trường giảm mạnh xuyên vùng đáy cũ là 1.142 điểm.

Tuy dòng tiền vẫn chưa rút hết khỏi thị trường, song sẽ xoay vòng và có sự phân hoá giữa các nhóm ngành. Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư nên tránh bán tháo trong những phiên giảm sâu, bởi sau đó thị trường thường sẽ có nhịp hồi.

Bên cạnh đó, rủi ro vẫn hiện hữu nên nhà đầu tư cần giảm tỷ trọng cổ phiếu, chỉ duy trì ở mức 30%. Theo đó, chỉ khi thị trường xác nhận xu hướng tăng rõ ràng hơn khi lấy lại mốc 1.200 điểm nhà đầu tư mới nên thực hiện giải ngân. Đặc biệt, cần lưu ý lược phòng thủ vẫn cần đặt lên hàng đầu, một số nhóm cổ phiếu điện, nước, công nghệ có thể quan sát trong thời gian tới.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*