SSI Research cho biết chịu ảnh hưởng nặng nề sau hai năm đại dịch, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức do xung đột chính trị đang diễn ra, lạm phát tăng vọt và biến đổi khí hậu. Tình hình hiện nay đã khiến Chính phủ các nước phải đánh giá lại vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp trong bối cảnh an ninh lương thực và dinh dưỡng bền vững. Chỉ số lương thực của FAO đã tăng lên mức cao nhất trong 10 năm. Trong bối cảnh thu nhập hộ gia đình giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và giá cả hàng hóa tăng cao, các quốc gia cần đảm bảo đủ lương thực thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và kiểm soát lạm phát. Do có nền nông nghiệp lâu đời, Việt Nam có thể tự chủ cung cấp các loại lương thực thiết yếu như gạo, thịt bò, thịt gia cầm, hải sản và các loại lương thực khác.
Tập đoàn PAN (The PAN Group, HoSE: PAN ) là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, theo đuổi chiến lược phát triển bền vững bằng cách hợp tác chặt chẽ với nông dân, với tầm nhìn là đảm bảo nguồn cung cấp ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp như gạo, điều, thủy sản. Doanh nghiệp sở hữu hệ sinh thái hoàn chỉnh với những lợi thế khác biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, tập đoàn hướng đến việc áp dụng các ứng dụng công nghệ vào hoạt động trồng trọt và sản xuất, qua đó giúp tăng khả năng truy xuất nguồn gốc xuất xứ và nhận diện thương hiệu của các sản phẩm bán ra.
Trong giai đoạn 2013-2018, PAN chủ yếu tập trung vào hoạt động mua bán và sáp nhập. Công ty đã mua lại Aquatex Bến Tre ( HoSE: ABT ) vào năm 2013, Vinaseed ( HoSE: NSC ) vào năm 2014, Bibica ( HoSE: BBC ) vào năm 2015 và Thực phẩm Sao Ta ( HoSE: FMC ) vào năm 2017 và Khử trùng Việt Nam ( HNX: VFG ) vào năm 2021).
Đến giai đoạn 2018-2020, PAN đã áp dụng các giải pháp để củng cố nền tảng cốt lõi của công ty, bao gồm tăng cường R&D, mở rộng năng lực sản xuất và thay đổi công nghệ sản xuất để nâng cao tính hiệu quả và mở rộng tệp khách hàng. Cho đến nay, PAN đã hoàn thành giai đoạn mua bán và sáp nhập, và hiện đang tập trung vào hoạt động phát triển kinh doanh.
Do vậy, SSI Research cho rằng trong giai đoạn 2021-2025, tập đoàn sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao ở mức hai con số.
Lợi nhuận giai đoạn 2021-2025 kỳ vọng tăng trưởng 2 chữ số.
Năm 2021, tập đoàn nông nghiệp ghi nhận doanh thu 9.463 tỷ đồng, tăng 11%; lợi nhuận ròng 296 tỷ đồng, tăng 57% so với thực hiện 2020. Nửa đầu năm nay, đơn vị tiếp tục đạt kết quả vượt trội với doanh thu hợp nhất 6.200 tỷ đồng, tăng 60%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 175 tỷ đồng, tăng 112%. Lợi nhuận ròng tăng trên tất cả các mảng hoạt động như hạt giống (tăng 24%), thuốc trừ sâu (tăng 45%), tôm (tăng 42%), cá tra & nghêu (tăng 120%), nước mắm (tăng 17%).
Việc hợp nhất tài chính của VFG vào PAN giúp thúc đẩy tăng trưởng của tập đoàn hơn nữa, bên cạnh thu nhập ghi nhận một lần từ việc xử lý tài sản tại BBC. SSI Research cho rằng mảng thực phẩm đóng gói (bánh kẹo, hạt và trái cây sấy khô, gia vị) có mức tăng trưởng doanh thu đáng khích lệ là 11% trong nửa đầu năm và dự kiến sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2022 khi vào mùa cao điểm. Trong khi đó, lợi nhuận từ hạt & trái cây sấy khô giảm 29% so với cùng kỳ do lỗ tỷ giá.
Trong quý III, PAN đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 3.600tỷ đồng, tăng 43%; lãi ròng 53 tỷ đồng, tăng 38% so với quý III/2021.
Như vậy, với cả năm, SSI Research cho rằng tăng trưởng của The PAN Group được thúc đẩy bởi hợp nhất kết quả kinh doanh nguyên năm của Khử trùng Việt Nam và tăng trưởng lợi nhuận trong tất cả các mảng hoạt động.
Ngoài ra, đầu quý IV, công ty dự kiến tăng vốn điều lệ thông qua các phương thức như trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện là 5:2; phát hành quyền mua tỷ lệ 2: 1, giá 15.000 đồng/cp. PAN sẽ sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành cổ phiếu (1.600 tỷ đồng) để tăng đầu tư vào công ty con, M&A và giảm nợ ngắn hạn.
Cụ thể, The PAN Group sẽ phát hành khoảng 83,6 triệu cổ phiếu tăng vốn từ nguồn thặng dư vốn cổ phần theo BCTC kiểm toán năm 2021, chào bán hơn 104,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Sau 2 phương án phát hành, vốn điều lệ tập đoàn dự kiến tăng lên 4.102 tỷ đồng. Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường cuối năm trước, tập đoàn còn có phương án chào bán riêng lẻ 41,1 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên hơn 4.500 tỷ đồng.
Để lại một phản hồi