Hơn 4.000 nhân viên cứu hỏa đang chiến đấu với 14 vụ cháy rừng lớn khắp California do nắng nóng. 4 người thiệt mạng vì hỏa hoạn cuối tuần qua. Giới chức California ngày 6/9 dự báo nhiệt độ một số khu vực trong bang có thể lên tới 46 độ C, yêu cầu người dân chuẩn bị cho các đợt cắt điện khi nắng nóng lên đỉnh điểm.
“Chúng ta đang bước vào giai đoạn sóng nhiệt khốc liệt nhất”, Elliot Mainzer, chủ tịch ISO, đơn vị điều hành lưới điện của bang, nói. “Nhu cầu điện ngày 5 và 6/9 ở mức kỷ lục mọi thời đại, ngày càng có nguy cơ phải cắt điện luân phiên”.
Nguồn cung cấp điện của bang ít hơn 5.000 mW so với nhu cầu cao điểm lúc 17h30 ngày 6/9.
6/9 là ngày thứ bảy liên tục California đặt trong tình trạng cảnh báo toàn bang về tiết kiệm năng lượng. Giữa đợt nắng nóng gay gắt bắt đầu từ tuần trước và dự kiến tiếp tục kéo dài hết 9/9, Cục Thời tiết Quốc gia cảnh báo về nguy cơ sốc nhiệt trên toàn bang, nói rằng người cao tuổi và trẻ em có nguy cơ sinh bệnh hoặc tử vong do nắng nóng.
Mất điện và không thể sử dụng quạt hay điều hòa không khí có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người già và trẻ em, cũng như với người khuyết tật sử dụng thiết bị y tế chạy bằng điện.
Ngày 5/9, Sacramento ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục với 45 độ C còn một số khu vực ở Central Valley lên tới hơn 46 độ C.
Nhiệt độ cực đoan là kết quả của hiện tượng “vòm nhiệt” bao trùm khu vực, khi vùng áp suất khí quyển trên cao giống như cái nắp, giữ không khí nóng ở bên trong. Khủng hoảng khí hậu không phải nguyên nhân gây vòm nhiệt nhưng giới khoa học cảnh báo hiện tượng này sẽ khiến thời tiết khắc nghiệt hơn.
Độ ẩm thấp và nhiệt độ cao làm tăng nguy cơ cháy rừng. Anale Burlew, phó giám đốc sở lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy California, cho hay 4 người thiệt mạng vì cháy rừng cuối tuần qua và 4.400 lính cứu hỏa đang cố gắng khống chế 14 đám cháy lớn khắp bang. Riêng ngày 4/9, California ghi nhận 45 vụ cháy mới.
Nhiệt độ cao cũng khiến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hơn, thúc đẩy sự hình thành khói mù ở tầng mặt đất. Tại miền nam California, giới chức tuần trước khuyên người dân ở trong nhà, tránh vận động quá sức.
Vài trăm nghìn người dân California từng trải qua cảnh cắt điện hồi tháng 8/2020 do nắng nóng nhưng tránh được kịch bản tương tự vào mùa hè năm ngoái. Thống đốc California Gavin Newson tuần trước ký sắc lệnh cho phép nhà máy hạt nhân cuối cùng của bang tiếp tục hoạt động khi tới thời hạn đóng cửa theo kế hoạch năm 2025 để đảm bảo nguồn cung năng lượng.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)
Để lại một phản hồi