Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 25/9 về kế hoạch cải cách lương hưu của chính phủ, 50,7% người dân Thụy Sĩ bỏ phiếu đồng ý, đồng nghĩa hệ thống hưu trí của nước này sẽ lần đầu tiên được sửa đổi sau hơn 25 năm.
Theo đó, Thụy Sĩ sẽ tăng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ thêm một năm, nghĩa là nữ lao động sẽ phải làm việc tới năm 65 tuổi mới được nhận lương hưu như đàn ông. Kết quả này được thông qua sau hai lần trưng cầu dân ý thất bại vào năm 2004 và 2007.
Thụy Sĩ lâu nay luôn cho rằng cần “ổn định” hệ thống an sinh tuổi già của đất nước, dưới áp lực tuổi thọ gia tăng và thế hệ được sinh ra vào thời kỳ bùng nổ dân số giờ đã tới tuổi nghỉ hưu.
Một cuộc trưng cầu dân ý khác về tăng ngân sách lương hưu thông qua tăng thuế bán hàng được thông qua với 55% phiếu ủng hộ.
Năm ngoái, quốc hội Thụy Sĩ đã thông qua những chính sách về tuổi hưu và lương hưu này, vấp phải sự phản đối của các đảng và công đoàn cánh tả. Họ chỉ trích kế hoạch cải cách này là “bóc lột phụ nữ” và yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý.
Những người ủng hộ cải cách cho rằng nam nữ nghỉ hưu cùng độ tuổi là hợp lý. Celine Amadruz, phó chủ tịch đảng Nhân dân Thụy Sĩ theo chủ nghĩa dân túy, ca ngợi cuộc bỏ phiếu là “bước đi đầu tiên hướng tới sự bền vững” cho hệ thống an sinh tuổi già.
Nhưng phe phản đối đã phản ứng dữ dội với kế hoạch cải cách lương hưu. Đảng Xã hội Thụy Sĩ tuyên bố sẽ biểu tình tại Bern vào ngày 26/9, cảnh báo kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu sẽ cắt giảm đáng kể nguồn thu nhập từ lương hưu vốn đã ít ỏi của phụ nữ.
“Thu nhập từ lương hưu của phụ nữ sẽ giảm 7 tỷ franc Thụy Sĩ (7,1 tỷ USD) trong 10 năm tới. Đây là cái tát vào mặt phái nữ”, tổ chức này tuyên bố.
Những người phản đối cho rằng phụ nữ ở Thụy Sĩ đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử về giới và chênh lệch lương lớn so với đàn ông, nên nhận lương hưu thấp hơn nhiều. Do đó, họ cho rằng chính phủ cần ưu tiên giải quyết vấn đề này trước, chứ không phải tăng tuổi nghỉ hưu.
Theo Bộ Kinh tế Thụy Sĩ, năm 2020, phụ nữ nước này nhận lương hưu trung bình thấp hơn gần 35% so với đàn ông. Các cuộc thăm dò trước ngày trưng cầu dân ý cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa hai giới, với 70% đàn ông được hỏi ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ, nhưng gần 60% phụ nữ phản đối.
Kết quả bỏ phiếu ngày 25/9 cũng cho thấy sự chia rẽ đáng kể giữa các địa phương. Trong khi các vùng nói tiếng Đức hoàn toàn ủng hộ cải cách, những khu vực nói tiếng Pháp và Italy lại phản đối kịch liệt, với gần 63% cử tri Geneva bỏ phiếu “không” và bang Jura là hơn 70%.
Pierre-Yves Maillard, người đứng đầu Liên minh Công đoàn Thụy Sĩ, cảnh báo sự chia rẽ sâu sắc giữa hai giới và các địa phương với một vấn đề quan trọng như vậy “không phải tín hiệu chính trị tốt”.
“Nó sẽ để lại hậu quả”, ông nói.
Một vấn đề khác gây tranh cãi trong cuộc trưng cầu dân ý là đề xuất cấm chăn nuôi gia súc thâm canh lại bị cử tri bác bỏ. Đề xuất này được các tổ chức bảo vệ động vật đưa ra, nhưng hơn 63% cử tri bỏ phiếu phản đối.
Những người đề xuất sáng kiến muốn siết chặt quy định tối thiểu về nuôi nhốt và chăm sóc động vật, cũng như quy trình giết mổ khắt khe hơn, đồng nghĩa với việc cấm chăn nuôi gia súc thâm canh.
Chính phủ và quốc hội phản đối sáng kiến này, cho rằng Thụy Sĩ là một trong những nước có quy định về phúc lợi động vật nghiêm khắc nhất thế giới và siết chặt thêm sẽ làm tăng giá đáng kể.
Hồng Hạnh (Theo AFP)
Để lại một phản hồi