Nga thông báo hạ tiêm kích Ukraine có thể mang tên lửa Mỹ

“Tiêm kích Nga đã bắn rơi hai chiến đấu cơ MiG-29 Ukraine được hoán cải để mang tên lửa HARM tại khu vực Novoukrainka và Bashtanka thuộc tỉnh miền nam Mykolaiv”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết trong thông báo hôm 25/9.

Tướng Konashenkov thêm rằng lực lượng Nga đã đánh chặn 12 máy bay không người lái (UAV) và 21 quả rocket các loại của Ukraine, chủ yếu là đạn pháo phản lực HIMARS. Tuy nhiên, ông không nói rõ phòng không Nga sử dụng loại vũ khí gì để bắn hạ MiG-29 Ukraine.

Quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin.

Tiêm kích MiG-29 Ukraine mang tên lửa HARM trong hình ảnh công bố hôm 30/8. Ảnh: Twitter/KpsZSU.

Tiêm kích MiG-29 Ukraine mang tên lửa HARM trong hình ảnh công bố hôm 30/8. Ảnh: Twitter/KpsZSU.

Không quân Ukraine đang triển khai tên lửa diệt radar AGM-88 HARM do Mỹ chế tạo trên nhiều tiêm kích Su-27 và MiG-29 hoán cải. Các máy bay dường như không phải chỉnh sửa nhiều, chỉ cần lắp giá treo dành riêng cho tên lửa HARM và thay đổi dữ liệu trong máy tính điều khiển hỏa lực.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng nhiều khả năng tên lửa HARM được máy bay Ukraine phóng trong chế độ tấn công tọa độ. Theo đó, dữ liệu về khu vực nghi có radar phòng không đối phương sẽ được nạp vào tên lửa trước khi máy bay cất cánh, quả đạn sẽ bay đến tọa độ cho trước và tìm nguồn phát radar. Nó sẽ lao xuống khu vực xuất hiện chùm sóng radar hoặc tự hủy nếu không phát hiện được mục tiêu.

AGM-88 HARM là tên lửa không đối đất được thiết kế để bám theo chùm sóng bức xạ từ các đài radar mặt đất. Nó được phát triển để thay thế tên lửa AGM-45 Shrike và AGM-78 SARM, bắt đầu biên chế trong quân đội Mỹ từ năm 1985. Mỗi quả đạn AGM-88 nguyên bản có giá 284.000 USD, dài 4,1 m, nặng 355 kg, mang đầu đạn nổ phá mảnh nặng 66 kg, đạt tầm bắn 110 km và tốc độ tối đa gần 2.300 km/h.

Tên lửa HARM được đánh giá là công cụ quan trọng để Ukraine đối phó với lưới phòng không dày đặc được Nga triển khai trong chiến sự, hạn chế mối đe dọa đến máy bay của Kiev và cho phép họ hoạt động linh hoạt hơn so với trước đây. Chưa rõ phiên bản và số lượng tên lửa HARM được Mỹ cung cấp cho Ukraine, nhưng nó đã xuất hiện trong hai gói viện trợ của Washington dành cho Kiev và nhiều lần được sử dụng trên chiến trường.

Mỹ đang là bên viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine với nhiều khí tài hạng nặng, trong đó có pháo phản lực HIMARS, lựu pháo M777 và máy bay không người lái. Washington đã cam kết cung cấp khoảng 14 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev. Hồi đầu tháng 9, Nhà Trắng đề nghị quốc hội phân bổ thêm 11,7 tỷ USD để hỗ trợ quân sự cho Ukraine vào đầu năm 2023.

Vũ Anh (Theo RT, Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*