Tranh cãi về thủ phạm khiến Nord Stream hư hại

Chính phủ các nước châu Âu cũng như Nga đều lên tiếng cho rằng các sự cố xảy ra với đường ống Nord Stream 1 và 2 ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch không phải do tự nhiên, mà rất có thể là hành vi phá hoại.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã mở cuộc điều tra về “chủ nghĩa khủng bố quốc tế” sau khi ghi nhận “các hành động cố ý gây hư hại đường ống dẫn khí đốt gần đảo Bornholm… gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho Moskva”.

Anders Puck Nielsen, nhà nghiên cứu từ Trung tâm Hoạt động Hàng hải thuộc Đại học Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch, đặt nghi vấn khi các vụ rò rỉ liên tiếp xảy ra vào thời điểm Na Uy khánh thành đường ống Baltic Pipe chuyển khí đốt của nước này đến Ba Lan thông qua Đan Mạch. Đường ống này cũng chạy qua biển Baltic, giống hệ thống Nord Stream.

Với công suất 10 tỷ m3/năm, Baltic Pipe được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường an ninh năng lượng cho châu Âu. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho rằng Baltic Pipe là giấc mơ của người Ba Lan trong nhiều thập kỷ, trong khi Thủ tướng Mateusz Morawiecki nói “kỷ nguyên thống trị về khí đốt của Nga đang kết thúc”.

“Có lẽ ai đấy muốn gửi thông điệp rằng điều gì đó cũng có thể xảy ra với đường ống khí đốt của Na Uy”, ông nói.

Theo Puck Nielsen, sự cố rò rỉ hàng trăm triệu mét khối khí đốt ở Nord Stream có thể gây ra nhiều xáo trộn trên thị trường khí đốt châu Âu và khiến giá năng lượng tăng thêm. Ông cho rằng bên nhiều khả năng hưởng lợi từ những hỗn loạn này là Nga, nước đang tìm cách dùng khí đốt như một đòn bẩy để gia tăng áp lực với phương Tây.

Theo giới chuyên gia, sự cố rò rỉ trong các đường ống Nord Stream chưa lập tức gây ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng của châu Âu, song vẫn sẽ giáng đòn nặng nề vào một số nước châu Âu như Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga và đang chuẩn bị bước vào một mùa đông lạnh giá.

Tuy nhiên, Shen Yi, giáo sư tại Trường Quốc tế và Quan hệ Công chúng thuộc Đại học Phục Đán, Trung Quốc, không đồng tình với nhận định này. Theo ông, nếu muốn cắt nguồn cung khí đốt tới châu Âu, Nga có cách đơn giản hơn nhiều là đóng van, thay vì “thổi tung” đường ống của chính mình, bởi Moskva đang có lợi thế hơn trong xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng.

“Về mặt kỹ thuật, việc Nga tự phá hoại các đường ống mà họ đã tham gia đầu tư, xây dựng ở biển Baltic là không hợp lý”, ông nói.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng việc cài thuốc nổ hệ thống đường ống Nord Stream cũng không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Đường ống này làm bằng thép phủ bê tông, với độ dày khoảng 12 cm, được thiết kế để “không thể vỡ” trong điều kiện bình thường.

Lion Hirth, giáo sư chính sách năng lượng tại Trường Hertie ở Berlin, cho rằng sẽ rất khó để tiếp cận các đường ống ở độ sâu 70 mét dưới đáy biển. “Làm hỏng hai đường ống dẫn khí đốt dưới đáy biển đòi hỏi nỗ lực rất lớn, vì vậy nó chỉ có thể là hành động của một nhà nước”, ông nói, loại trừ khả năng đây là một vụ khủng bố hay tấn công tội phạm đơn lẻ.

Đối với một quân đội hiện đại, khu vực này “lý tưởng cho việc triển khai tàu ngầm mini”, một quan chức quân sự cấp cao của Pháp nói với hãng thông tấn AFP. Thợ lặn cũng có thể được điều xuống đáy biển để đặt chất nổ, hoặc thủy lôi tự hành hay thiết bị không người lái từ tàu ngầm cũng có thể thực hiện công việc tương tự.

“Chúng là những mục tiêu cố định, nên công việc không quá phức tạp với một lực lượng hải quân hiện đại”, quan chức quân sự Pháp cho hay.

Theo Shen, từ thời Chiến tranh Lạnh, hải quân NATO và các đồng minh thường xuyên hoạt động trong lòng biển Baltic với nhiều thiết bị giám sát tiên tiến. “Bằng cách nào Nga có thể cho nổ các đường ống một cách dễ dàng, trong khi điều này trên thực tế không thuận lợi cho họ?”, ông đặt câu hỏi.

Người phát ngôn Điện Kremlin hôm 28/9 cũng lên tiếng bác bỏ những cáo buộc nhằm vào Nga. “Cả hai đường ống đều đầy khí, sẵn sàng để bơm và chúng rất đắt. Giờ đây, chúng đều đã bốc hơi”, ông nói.

Một số chuyên gia Trung Quốc khác cho rằng trong vụ rò rỉ đường ống Nord Stream, Mỹ mới là bên hưởng lợi. Washington có thể đạt được ba mục tiêu: Làm suy yếu ngành xuất khẩu năng lượng Nga để gây áp lực lên nền kinh tế nước này, hạn chế nguồn cung năng lượng tới châu Âu, qua đó khiến họ phải mua nhiều nhiên liệu hơn từ Mỹ với giá cao hơn và kiểm soát chặt chẽ nguồn cung năng lượng huyết mạch của các nước châu Âu.

Có thể mất một thời gian khá dài trước khi giới chức các nước liên quan tìm ra thủ phạm bị cáo buộc gây rò rỉ hai đường ống dẫn khí đốt. Quãng thời gian “trống thông tin” này sẽ là cơ hội để các bên tận dụng tăng sức ép nhắm vào nhau, chuyên gia cảnh báo.

Mỹ từ lâu đã gây áp lực để Đức phải giảm bớt phụ thuộc vào khí đốt Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói ngay trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng hai rằng nếu Moskva động binh, “tôi hứa với các bạn là chúng tôi sẽ đặt dấu chấm hết cho các đường ống của họ”.

Tuy nhiên, Hirth cho rằng “thật khó tưởng tượng một thành viên NATO lại làm điều này, dù các đường ống rất quan trọng với Nga”.

Hiện tại, các nhà phân tích chỉ thống nhất một điểm rằng cuộc tấn công nhằm vào Nord Stream có liên quan đến xung đột Ukraine. Một điều chắc chắn nữa là các đường ống bị hư hỏng sẽ làm tăng thêm áp lực lên nền kinh tế châu Âu, vốn đã rất khát khí đốt để bù đắp cho nguồn cung thiếu hụt từ Nga.

“Đây là một lời nhắc nhở rõ ràng về việc cơ sở hạ tầng năng lượng của chúng ta dễ bị tổn thương như thế nào”, Hirth, chuyên gia từ Berlin, nói. Theo ông, dù ai là thủ phạm, sự cố rò rỉ có thể đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng Nga nối lại cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Vũ Hoàng (Theo AFP, Al Jazeera, Global Times)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*