Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak ngày 29/9 ca ngợi các biện pháp trừng phạt hiện hành, song cho rằng chúng không đem lại các tác động quyết định. “Tiền giống như nước, luôn tìm cách để chảy. Phương Tây cần tăng mạnh các biện pháp trừng phạt”, ông nói và kêu gọi đưa Nga vào diện “nước tài trợ khủng bố”.
Trước đó, một ủy ban quốc tế về các biện pháp trừng phạt gồm các luật sư, nhà ngoại giao, nhà kinh tế đưa ra báo cáo cho rằng Nga nên bị coi là “nước tài trợ khủng bố”, theo định nghĩa pháp lý trong luật pháp Mỹ và Canada. Trong số các thành viên ủy ban có Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga.
“Bản chất của khủng bố có thể được tóm tắt là bạo lực có động cơ chính trị được tính toán từ trước, nhằm chống lại các mục tiêu không tham chiến”, báo cáo có đoạn.
Theo báo cáo, các sự kiện kinh hoàng ở Ukraine “không phải là các hành vi bột phát của các phần tử bất hảo trong lực lượng vũ trang Nga mà được thiết kế và tiến hành với mục đích cụ thể là khủng bố người dân Ukraine”.
Tuy nhiên, các thành viên ủy ban thừa nhận việc coi Nga là “nước tài trợ khủng bố” có thể phản tác dụng, có nguy cơ phá hủy thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc với Ukraine qua Biển Đen.
Nga hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Mỹ coi Triều Tiên, Syria, Iran và Cuba là những “nước tài trợ khủng bố”. Nếu Mỹ đưa Nga vào danh sách này, họ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với bất kỳ tổ chức, cá nhân hỗ trợ hoặc giao dịch với các cơ quan chính phủ Nga, bao gồm cả ngân hàng nhà nước. Công dân và lao động Mỹ cũng có thể kiện Nga về những thiệt hại tài chính hoặc yêu cầu bồi thường vật chất cho những thương vong “gây ra bởi các hành động khủng bố”. Công dân Nga nhập cảnh vào Mỹ cũng phải đối mặt với những hạn chế cao hơn.
Kiev và phương Tây liên tục cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực điều tra. Tuy nhiên, Moskva nhiều lần bác cáo buộc phạm tội ác chiến tranh hay nhắm mục tiêu vào dân thường ở Ukraine, khẳng định đây là chiến dịch “phi quân sự hóa, phi phát xít hóa”.
Hôm 5/9, Tổng thống Biden đã trả lời “không” khi được phóng viên hỏi ông có ủng hộ đề xuất thông qua dự luật coi Nga là “nước tài trợ khủng bố” hay không. Nhà Trắng giải thích đây “không phải cách hiệu quả và mạnh mẽ nhất để buộc Nga chịu trách nhiệm”.
Điện Kremlin Dmitry Peskov sau đó bày tỏ đánh giá cao ông Biden. Hồi tháng 8, Alexander Darchiyev, vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Nga, cảnh báo nếu Mỹ thông qua dự luật, họ sẽ vượt lằn ranh không thể quay lại, thậm chí dẫn đến cắt đứt quan hệ.
Đức Trung (Theo Guardian)
Để lại một phản hồi