Thị trường mở đầu tuần với phiên giảm mạnh (VN-Index giảm hơn 33 điểm xuống mốc 986 điểm), loạt cổ phiếu giảm sàn la liệt. Đáng chú ý, 2 cổ phiếu ngành chăn nuôi heo là HAG của Hoàng Anh Gia Lai và BAF của CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam ngược dòng xanh điểm. Trong khi một cổ phiếu đầu ngành là DBC của Dabaco không tránh khỏi áp lực giảm sàn.
Ghi nhận, HAG dừng ở mốc 8.830 đồng/cp, thanh khoản gần 21 triệu. Đáng chú ý, HAG trở thành tâm điểm khi được khối ngoại mua ròng hơn 3 triệu cổ phiếu. Đà tăng của HAG diễn ra sau đợt ra mắt thương hiệu heo Bapi tại Hà Nội, ghi nhận phản ứng tích cực.
Trồng chuối xuất khẩu và hàng năm thải ra hàng trăm ngàn tấn chuối, HAG theo đó tận dụng để chế biến thức ăn chăn nuôi riêng và cho ra mắt dòng Heo ăn chuối Bapi. Chia sẻ bởi ông Trần Văn Dai, kỹ sư nông nghiệp kiêm Thành viên HĐQT HAGL, heo Bapi được chăn nuôi biệt lập tại vùng khí hậu Tây Nguyên trong lành, mát mẻ rất thuận lợi. HAGL đang có vùng trồng chuối hơn 1.000 ha tại Stung Treng (Campuchia) dành để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Về chế biến, HAGL đang liên kết giết mổ heo tại 2 nhà máy một phía Bắc một ở Đà Nẵng. Công ty đang trong quá trình tìm kiếm thương thảo cho khu vực Tp.HCM.
Ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Bapi Hoàng Anh Gia Lai, bổ sung theo lộ trình đến năm 2023, Bapi Hoàng Anh Gia Lai sẽ phát triển 1.000 cửa hàng Bapi Food trên toàn quốc và doanh nghiệp đang tập trung mọi nguồn lực để sớm hoàn thành mục tiêu này.
Bên cạnh Heo ăn chuối, HAGL còn nuôi thí điểm Gà ăn chuối đi bộ. Dự kiến trong năm nay, HAGL sẽ ra mắt và bổ sung sản phẩm thịt gà ăn chuối tại các cửa hàng BapiFood. Theo ông Dai, với nguồn chuối chủ động này, ngành chăn nuôi của Tập đoàn sẽ làm chủ nguồn nguyên liệu, thuận lợi cho kế hoạch phát triển tăng đàn heo và gà ta chạy bộ trong năm 2023.
Thông tin được tiết lộ mới đây, HAGL đang xúc tiến hoàn thành và đưa vào vận hành nhà máy giết mổ thịt gà tại Gia Lai, công suất khoảng 1.200-1.500 con/giờ, tương đương 14 triệu con/năm.
Giữa làn sóng Heo ăn chuối gây chú ý dư luận, Chủ tịch BaF cũng công bố dòng Heo ăn chay độc quyền tại Công ty mình. Được biết, heo BaF được nuôi bằng “cám chay” độc quyền tại Công ty. Trong đó, cám này không sử dụng đạm động vật mà chỉ sử dụng 100% đạm có nguồn gốc từ thực vật và đặc biệt là áp dụng cho toàn bộ mã cám của BaF chứ không chỉ 1-2 mã cám giai đoạn heo con. Đồng nghĩa, heo tại BaF cũng không được ăn chất tạo nạc, tạo mùi, tăng trọng và là không tồn trữ kháng sinh khi giết mổ.
Tương tự HAGL (heo ăn chuối bán độc quyền tại cửa hàng Bapi Food), thịt heo BaF và các sản phẩm chế biến như xúc xích, chả giò… hiện được bán độc quyền tại chuỗi cửa hàng Siba Food và mô hình xe bán thịt Meat shop. Đến nay, hệ thống có khoảng 60 cửa hàng Siba Food và 250 Meat Shop. Kế hoạch đến 2023 sẽ mở rộng lên 100 cửa hàng Siba Food và 1.000 cửa hàng Meat Shop.
BaF cũng cho biết sẽ có họp báo chia sẻ chi tiết về sự vụ này. Theo BAF, nuôi heo khép kín bằng “cám chay” là xu hướng tương lai của ngành chăn nuôi, không phải là hình thức PR thức thời.
Bởi tại Việt Nam, chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, chỉ sau lúa gạo. Song, trong quá trình phát triển từ quá khứ cho đến nay, tỷ trọng doanh nghiệp chăn nuôi nội địa lại khá khiêm tốn so với các doanh nghiệp FDI. Trong khi, cần nhìn nhận rằng tỷ lệ giết mổ trên tổng đàn heo của các doanh nghiệp này thì lại rất ít. Do đó, 3F (feed-farm-food) là xu hướng cũng được xem là công cụ giúp doanh nghiệp nội địa cạnh tranh trên thị trường.
Để lại một phản hồi