Khối ngoại bán mạnh, cổ phiếu Hòa Phát rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 23 tháng

Sau tháng 9 đầy giông bão, thị trường chứng khoán tiếp tục nối dài chuỗi ngày ảm đảm sang đầu tháng 10. VN-Index giảm 5% từ đầu tuần và rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 20 tháng kéo theo hàng loạt cổ phiếu Bluechips cũng thủng đáy trong đó có HPG của Tập đoàn Hòa Phát.

Cổ phiếu đầu ngành thép đã giảm 15% từ đầu tháng 10 xuống mức 18.000 đồng/cổ phiếu, thấp nhất trong gần 23 tháng kể từ ngày 17/11/2020. Nếu so với đỉnh, thị giá HPG thậm chí còn “bốc hơi” đến gần 60% tương ứng vốn hóa bị thổi bay hơn 150.000 tỷ đồng (~6,4 tỷ USD), còn chưa đến 105.000 tỷ đồng và bị rớt khỏi top 10 vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán.

Khối ngoại bán mạnh, cổ phiếu Hòa Phát rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 23 tháng - Ảnh 1.

Cổ phiếu HPG xuống mức thấp nhất trong vòng 23 tháng

Một trong những yếu tố gây áp lực lớn lên giá cổ phiếu HPG từ đầu tháng 10 là động thái quay đầu bán ròng của khối ngoại. Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đã nối dài chuỗi bán ròng HPG lên 6 phiên liên tiếp. Chỉ riêng 4 phiên giao dịch đầu tháng 10, giá trị bán ròng của khối ngoại trên cổ phiếu này đã lên đến gần 700 tỷ đồng.

Khối ngoại bán mạnh, cổ phiếu Hòa Phát rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 23 tháng - Ảnh 2.

Khối ngoại quay xe bán ròng cổ phiếu HPG

Động thái có phần bất ngờ đã nhanh chóng dập tắt hy vọng chỉ mới nhen nhóm về sự trở lại của khối ngoại trên cổ phiếu đầu ngành thép sau giai đoạn bán ròng triền miên trước đó. Thống kê cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng HPG liên tiếp trong 2 tháng 8 và 9 với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là giai đoạn cổ phiếu này gần như đi ngang sau một nhịp hồi nhẹ từ đáy cũ vào cuối tháng 7.

Trong bối cảnh thị trường chung biến động không thuận lợi, cổ phiếu HPG dần “hụt hơi” và trôi về vùng đáy trước dù khối ngoại vẫn miệt mài đỡ cho đến tận những ngày cuối tháng 9. Diễn biến trở nên tệ hơn sau khi nhà đầu tư nước ngoài mất kiên nhẫn và bắt đầu bán ra. Tính từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng 5.800 tỷ đồng cổ phiếu HPG, lớn nhất sàn chứng khoán. Trước đó, HPG cũng là cái tên bị bán ròng mạnh nhất thị trường năm 2021 với giá trị lên đến 18.900 tỷ đồng.

Dù miệt mài bán ròng trong thời gian dài, nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn nắm giữ một lượng cổ phiếu HPG khổng lồ lên đến hơn 1,2 tỷ đơn vị (tỷ lệ 20,9%). Với vị thế cổ phiếu đầu ngành thép cùng quy mô vốn hóa lớn, lượng cổ phiếu lưu hành và trôi nổi tự do thuộc hàng khủng nhất nhì sàn chứng khoán, không bất ngờ khi HPG thường xuyên nằm trong danh mục của hầu hết các quỹ ngoại tên tuổi trên thị trường như nhóm Dragon Capital, nhóm VinaCapital, LionGlobal Vietnam Fund và các ETFs,…

Trong số các cổ đông ngoại của HPG, cái tên nổi tiếng nhất phải kể đến quỹ tỷ USD thuộc Dragon Capital quản lý là Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL). Thời điểm cuối năm 2021 khi quy mô của quỹ đạt gần 2,58 tỷ USD, HPG còn là khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của VEIL với tỷ trọng 12,11%. Tuy nhiên, khoản đầu tư này đã rơi xuống vị trí thứ 4 tại thời điểm 22/9 với tỷ trọng 5,9% trong khi NAV của quỹ cũng đã bị thu hẹp còn 1,97 tỷ USD.

Theo thống kê, VEIL là một trong những quỹ ngoại bán cổ phiếu HPG rát nhất từ đầu năm với khối lượng lên đến 65 triệu đơn vị. Mặc dù không tham gia xả hàng trong khoảng thời gian từ 21/7-22/9 nhưng không loại trừ khả năng quỹ ngoại này đã nối lại các hoạt động bán ròng những phiên gần đây.

Các yếu tố cơ bản không còn hỗ trợ

Áp lực từ sự leo thang của đồng USD không chỉ tác động đến dòng vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của Hòa Phát. Riêng trong quý 2, tập đoàn này đã lỗ tỷ giá 1.100 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi suất có xu hướng tăng nhằm giảm bớt áp lực tỷ giá cũng có ảnh hưởng nhất định đến các doanh nghiệp vay nợ nhiều như Hòa Phát, đặc biệt trong bối cảnh dự án Dung Quất 2 bước vào giai đoạn đầu tư cần nguồn vốn khổng lồ.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến HPG liên tục bị bán mạnh có thể đến từ việc các yếu tố cơ bản đã không còn ủng hộ Hòa Phát như giai đoạn trước đó. Cụ thể, sau khi đạt đỉnh vào quý 3/2021 – giai đoạn giá thép cũng liên tục leo thang lên cao chưa từng có, lợi nhuận của Hòa Phát đã bắt đầu chững lại và đi xuống.

Sau liên tiếp những nhịp giảm mạnh, giá thép cây thế giới hiện chỉ còn 1/3 so với đỉnh. Giá thép xây dựng của Hòa Phát tại thị trường nội địa đã tăng trong những tuần gần đây nhưng tiềm năng tăng giá trong các tháng còn lại của năm có thể ở mức khiêm tốn. Mức tăng giá nhỏ giọt chỉ từ 100 – 200 đồng/kg mỗi lần của Hòa Phát phần nào cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng vẫn đang tăng chậm.

Khối ngoại bán mạnh, cổ phiếu Hòa Phát rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 23 tháng - Ảnh 3.

Giá thép giảm mạnh sau khi đạt đỉnh

SSI Research cho rằng lợi nhuận của Hòa Phát trong các quý tới có thể sẽ tiếp tục giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân đến từ nhu cầu thép trong nước được dự báo sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi áp lực lạm phát và việc kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản. Tiêu thụ HRC cũng sẽ gặp thách thức do các nhà sản xuất tôn mạ đang giảm số dư hàng tồn kho trong bối cảnh giá giảm và nhu cầu chậm lại ở cả kênh nội địa và xuất khẩu.

Trong khi đó, VDSC cho rằng giá nguyên liệu có thể giảm tiếp trong quý 4 năm nay. Trong bối cảnh như vậy, VDSC đánh giá chi phí sản xuất thép thô của Tập đoàn Hòa Phát sẽ chỉ thấp hơn một chút trong quý 3 so với quý 2 và sau đó sẽ giảm tiếp trong quý 4 khi mà HPG đã chủ động hạn chế dự trữ nguyên liệu và cắt giảm sản xuất trong tháng 7-8. Như vậy, một phần lớn thép bán ra trong quý 3 có thể được sản xuất từ nguyên liệu giá cao.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*