Nợ công vượt kỷ lục lên 31.000 tỷ USD: “Niềm đam mê” đi vay khiến kinh tế Mỹ gặp rủi ro

Niềm đam mê đi vay của Mỹ từ lâu vẫn được coi là bền vững vì mức lãi suất thấp và kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng lên, những rủi ro tài khóa của Mỹ càng trở nên tồi tệ hơn. Các chuyên gia đã gọi nợ công kỷ lục của Mỹ, vừa được tiết lộ trong báo cáo của Bộ Tài Chính, là xuất hiện “không đúng thời điểm”.

Nhằm kiềm chế lạm phát tăng vọt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng mạnh lãi suất. Trong khi đó, dù các nhà hoạch định chính sách tin rằng Mỹ hoàn toàn có thể trả được nợ công – vốn được huy động để chống lại tác động của dịch bệnh và hỗ trợ nền kinh tế nhưng lãi suất cao khiến chúng trở nên đắt đỏ hơn.

Michael A. Peterson, giám đốc điều hành của Peter G. Peterson, cho biết: “Những quan ngại với nợ của Mỹ ngày càng tăng trong bối cảnh họ vừa phải tiếp tục tăng nợ, vừa phải tăng lãi suất. Quá nhiều người đã tự mãn vì nợ công của nước Mỹ khi lãi suất thấp kéo dài”.

Nợ công vượt kỷ lục lên 31.000 tỷ USD: “Niềm đam mê” đi vay khiến kinh tế Mỹ gặp rủi ro - Ảnh 1.

Những số liệu mới cũng xuất hiện vào thời điểm kinh tế đầy biến động. Các nhà đầu tư hiện đang mắc kẹt giữa nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái với hy vọng mong manh về khả năng lạm phát sẽ được kiểm soát khi mà nền kinh tế chưa chịu quá nhiều tổn thương.

Trong hai phiên giao dịch đầu tiên của quý, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh trở lại sau một tháng 9 tồi tệ. Đà tăng gần đây dường như bắt nguồn từ một báo cáo của Chính phủ Mỹ cho thấy thị trường lao động có dấu hiệu chậm lại. Các nhà đầu tư coi đó là một tín hiệu cho thấy khả năng đà tăng lãi suất của FED có thể sớm được kìm hãm. Tuy nhiên, đó mới chỉ là suy đoán.

Theo ước tính của Quỹ Peterson, lãi suất cao hơn có thể khiến người Mỹ phải trả thêm 1 nghìn tỷ USD cho các khoản lãi trong thập kỷ này. Con số này sẽ khiến khoản tiền mà Quốc hội Mỹ dự kiến dùng để trả nợ vọt lên so với 8.100 tỷ USD mà họ dự toán. Thậm chí, số tiền trả lãi có thể vượt qua ngân sách quốc phòng vào năm 2029 nếu mức lãi suất chỉ cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức mà Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, FED đã giảm lãi suất về mức gần 0. Trong những tháng gần đây, cơ quan này bắt đầu nâng lãi suất để cố gắng kiềm chế lạm phát kỷ lục của 40 năm. Lãi suất hiện tại đang trong phạm vi từ 3 đến 3,25% và chính FED cũng dự báo rằng lãi suất có thể tăng lên 4,6% vào cuối năm tới, cao hơn so với 3,8% mà họ đưa ra trước đó.

Hồi đầu năm, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cũng đã cảnh báo về gánh nặng nợ công đang ngày càng gia tăng của Mỹ, thậm chí có thể khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào khả năng trả nợ của Chính phủ. Những lo lắng này có thể khiến “lãi suất tăng đột ngột và lạm phát tiếp tục leo thang”.

Việc tăng lãi suất cũng khiến những tính toán của Chính phủ Mỹ chệch hướng. Cả Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng đều dự đoán nợ công của Mỹ, được tính như một phần của quy mô nền kinh tế, sẽ giảm nhẹ trong năm tài khóa tới trước khi tăng trở lại vào năm 2024. Họ tin rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với nợ.

Nợ công vượt kỷ lục lên 31.000 tỷ USD: “Niềm đam mê” đi vay khiến kinh tế Mỹ gặp rủi ro - Ảnh 2.

Mốc nợ công 31.000 tỷ USD cũng đặt ra vấn đề lớn với Tổng thống Joe Biden, người cam kết đưa nước Mỹ vào con đường tài khóa bền vững hơn và giảm thâm hụt ngân sách liên bang khoảng 1.000 tỷ USD trong một thập kỷ. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ đang chi tiêu nhiều hơn so với số tiền thu được từ thuế.

Ủy ban Ngân sách Liên bang ước tính rằng các chính sách của ông Biden đã làm thâm hụt thêm khoảng 5.000 tỷ USD kể từ khi ông nhậm chức. Ước tính này bao gồm gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD mà ông Biden đã ký thành luật, trong đó có một loạt sáng kiến chi tiêu mới đã được Quốc hội thông qua cũng như kế hoạch xóa nợ cho sinh viên dự kiến sẽ khiến người nộp thuế phải trả gần 400 tỷ USD trong 30 năm.

Nhà Trắng ước tính trong tháng 8 rằng thâm hụt của Mỹ sẽ chỉ là hơn 1.000 tỷ cho năm tài khóa 2022, thấp hơn 400 tỷ USD so với dự đoán ban đầu. Ông Biden nói rằng đó là kết quả của các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dưới thời gian ông lãnh đạo nước Mỹ.

Tuy nhiên, con số đó bị lu mờ bởi các kế hoạch giải cứu nền kinh tế, vốn dùng hoàn toàn tiền vay. Thậm chí, đó còn là những khoản vay nặng lãi để giảm thiểu thiệt hại từ suy thoái do đại dịch gây nên. Ngoài ra, thâm hụt giảm cũng một phần tới từ việc các nhà hoạch định chính sách không thông qua một đợt hỗ trợ đại dịch khác trong năm nay.

Hiện tại, văn phòng ngân sách của ông Biden cũng đã dự báo thâm hụt sẽ tăng cao hơn trong 3 năm tới, phần lới do chi phí lãi suất tăng cao hơn. Trong những tuần gần đây, chi phí đi vay đã vượt dự kiến của Nhà Trắng, cho thấy họ sẽ phải điều chỉnh dự báo một lần nữa.

Brian Riedl, một thành viên cấp cao tại Viện Manhattan, cho biết: “Về cơ bản, Washington đã vay những khoản vay dài hạn và gặp may khi lãi suất thấp. Thế nhưng, điều đó đã không còn. Lãi suất đang tăng mạnh và những khoản nợ sẽ trở nên đặt đỏ một cách khủng khiếp”.

Tham khảo: NYtimes

Lật tẩy toan tính các bên trong vụ OPEC+ cắt giảm 2 triệu thùng dầu

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*