Solomon cam kết không cho quân đội Trung Quốc đồn trú

Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare hôm nay cho biết ông đã thảo luận với người đồng cấp Australia Anthony Albanese về hiện diện quân sự của Trung Quốc trên lãnh thổ. “Đây là vấn đề nhạy cảm và chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép chuyện đó xảy ra”, ông Sogavare nói.

Trung Quốc và Solomon hồi tháng 4 thông báo đã ký một hiệp ước an ninh nhưng không công bố chi tiết. Ông Sogavare từng nói Trung Quốc sẽ được phép xây dựng cầu cảng và sân bay tại Solomon.

Đây là hai loại hạ tầng có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự, làm dấy lên lo ngại ở Australia và các nước phương Tây về khả năng Trung Quốc triển khai binh sĩ đồn trú lâu dài ở quốc đảo.

Biểu tình bạo lực từng nổ ra tại thủ đô Honiara của Quần đảo Solomon hồi tháng 11/2021, nhằm phản đối ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở quốc đảo, cũng như tình trạng đói nghèo và mâu thuẫn nội bộ. Phần lớn khu vực Chinatown của người Trung Quốc ở Honiara đã bị đốt phá.

Những cuộc bạo loạn như vậy “khả năng cao không xảy ra nữa”, Thủ tướng Sogavare tuyên bố, thêm rằng chính phủ của ông đã sẵn sàng các biện pháp ứng phó nếu tình trạng bất ổn nổ ra.

Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ ở New York, Mỹ, ngày 23/9. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ ở New York, Mỹ, ngày 23/9. Ảnh: AFP.

Mỹ và các đồng minh nhiều lần bày tỏ lo ngại hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon có thể làm đảo lộn các thỏa thuận an ninh khu vực và tạo chỗ đứng cho Bắc Kinh ở Thái Bình Dương. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc, khẳng định hiệp ước với Quần đảo Solomon chỉ tập trung vào chính sách trong nước, đồng thời chỉ trích phương Tây can thiệp tới chủ quyền của quần đảo.

Quan hệ giữa Quần đảo Solomon và Australia cũng trở nên căng thẳng vì hiệp ước. Australia hồi tháng 9 đề nghị hỗ trợ nguồn lực cho Quần đảo Solomon trong cuộc bầu cử dự kiến vào năm 2024, song bị ông Sogavare chỉ trích là “can thiệp vấn đề nội bộ”.

Tuy nhiên, trong cuộc gặp ngày 6/10, ông Sogavare đã thay đổi quan điểm và cảm ơn Thủ tướng Albanese về “đề nghị tử tế” này.

Như Tâm (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*