“Nhiều khả năng đó sẽ là con đường mà Trung Quốc đi ở khu vực Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Nội vụ Australia Karen Andrews trả lời phỏng vấn hôm 26/4 khi được hỏi triển vọng Trung Quốc đưa quân đến Quần đảo Solomon trong năm tới.
Bình luận được đưa ra một tuần sau khi Trung Quốc thông báo Ngoại trưởng Vương Nghị và người đồng cấp Quần đảo Solomon Jeremiah Manele đã ký thỏa thuận khung về hợp tác an ninh, nhưng không công bố nội dung chi tiết.
Theo dự thảo thỏa thuận rò rỉ hồi tháng 3, tàu thuyền Trung Quốc sẽ được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại Quần đảo Solomon. Trung Quốc cũng có thể triển khai “các lực lượng thích hợp” để bảo vệ nhân viên cùng dự án của nước này ở Solomon.
Thỏa thuận này cũng nêu rõ Solomon có thể yêu cầu Trung Quốc điều động cảnh sát vũ trang, binh sĩ và lực lượng hành pháp của nước này tới quốc đảo Thái Bình Dương để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo hoặc an ninh. Nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của bên kia, cả hai sẽ không được phép tiết lộ các nhiệm vụ này.
Bà Andrews đặt nghi vấn thời điểm Bắc Kinh công bố thỏa thuận trước thềm bầu cử liên bang Australia ngày 21/5, vốn đã bị chi phối bởi các cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại và ngoại giao Thái Bình Dương.
“Bắc Kinh nhận thức rất rõ rằng chúng tôi đang trong chiến dịch bầu cử liên bang. Chúng tôi đang nói về sự can thiệp chính trị dưới nhiều hình thức”, bà nhấn mạnh.
Mỹ và Australia từ lâu lo ngại khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở nam Thái Bình Dương, cho phép hải quân của nước này triển khai sức mạnh vượt xa biên giới. Bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đều có thể buộc Australia và Mỹ thay đổi phương án quân sự trong khu vực. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink hôm 26/4 tuyên bố Washington sẽ có biện pháp phản ứng nếu Bắc Kinh thiết lập hiện diện quân sự lâu dài ở Quần đảo Solomon, song từ chối nêu chi tiết.
Trong khi đó, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare nhiều lần khẳng định sẽ không có căn cứ quân sự nào của Trung Quốc được xây dựng trên đất nước ông theo thỏa thuận an ninh, nhưng vẫn chưa công khai phiên bản cuối cùng của hiệp ước.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 25/4 bác tin lập căn cứ ở Solomon, đồng thời khẳng định thỏa thuận dựa trên nguyên tắc bình đẳng và đôi bên cùng có lợi.
Quốc gia 800.000 dân, nằm cách Australia khoảng 2.000 km về phía đông bắc, hứng chịu bất ổn chính trị và xã hội, nhiều người dân sống trong cảnh nghèo đói. Hồi tháng 11/2021, người biểu tình tìm cách xông vào quốc hội Quần đảo Solomon và bạo loạn trong ba ngày, đốt cháy nhiều khu phố người Hoa ở thủ đô Honiara.
Hơn 200 lính gìn giữ hòa bình từ Australia, Fiji, Papua New Guinea và New Zealand được triển khai để khôi phục trật tự xã hội sau cuộc bạo loạn và đảm bảo ông Sogavare tiếp tục nắm quyền.
Huyền Lê (Theo AFP)
Để lại một phản hồi