TP.HCM kiến nghị điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022

Báo cáo tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP.HCM khóa X, UBND Thành phố cho biết, tính đến ngày 30/9/2022, tổng vốn đã giải ngân của Thành phố là 10.379 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27,3% tổng kế hoạch vốn được giao (37.996 tỷ đồng). Trong đó, vốn cân đối ngân sách trung ương chỉ đạt tỷ lệ 3%, vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 29%.

UBND Thành phố đánh giá, trong bối cảnh Thành phố vừa trải qua một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các yếu tố lạm phát, tình hình xung đột chính trị thế giới…, nên không tránh khỏi hấp thụ vốn còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến chưa thể đạt được tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 đến thời điểm này chưa đạt như kế hoạch.

a
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng số vốn đã giải ngân của TP.HCM là 10.379 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27,3% tổng kế hoạch vốn được giao (37.996 tỷ đồng).

Về nguyên nhân, Thành phố cho rằng, vẫn còn một số vướng mắc khi thực thi các quy định liên quan đến nguồn vốn đầu tư công, vốn ODA như về thẩm quyền, quy trình thực hiện các nội dung điều chỉnh còn khác nhau giữa Luật Đầu tư công và các luật khác.

Ngoài ra, do một số diễn biến bất lợi về dịch bệnh Covid-19, xung đột quân sự, chính trị trên thế giới trong khi TP.HCM có độ mở kinh tế lớn nên các yếu tố đến từ bên ngoài như giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước phí vận chuyển, việc huy động chuyên gia, nhà quản lý, nhà thầu nước ngoài, lao động chất lượng cao, máy móc thiết bị phục vụ thi công bị gián đoạn… đã ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện các dự án.

Trong khi đó, một số nhà thầu thi công “cầm chừng” do sợ chi phí nguyên vật liệu, nhân công gia tăng, không đảm bảo doanh thu và lợi nhuận như dự kiến. Thành phố cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ, ngành có hướng dẫn về quản lý chi phí, hợp đồng xây dựng…

Đồng thời, pháp lý về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phức tạp, công tác kiểm đếm đo đạc tốn nhiều thời gian, một số chủ sử dụng đất không hợp tác hoặc không tìm được người sử dụng đất phải áp dụng các biện pháp hành chính để thực hiện.

Nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng nhà đất là rất phức tạp, có những trường hợp vướng mắc trong việc xác định đối tượng được bồi thường, loại đất để tính bồi thường, pháp lý sử dụng đất,… phải báo cáo, xin ý kiến nhiều lần (kể cả xin ý kiến các cơ quan Trung ương) nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Với những khó khăn trên, UBND Thành phố kiến nghị HĐND Thành phố chấp thuận phương án điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách địa phương của Thành phố.

Trong đó, điều chỉnh tăng vốn với kế hoạch đầu tư công năm 2022 với số vốn là 107,567 tỷ đồng cho 186 dự án, đồng thời vố trí vốn cho 7 nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư để cac s cơ quan triển khai thủ tục đầu tư.

“Đây là các dự án mà các chủ đầu tư đã tích cực giải ngân vốn đầu tư công và chủ động đề xuất bổ sung thêm vốn để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, sớm đưa công trình vào vận hành, khai thác”, UBND Thành phố đánh giá.

Ngoài ra, UBND Thành phố cũng kiến nghị điều chỉnh giảm vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 với số vốn là 635,094 tỷ đồng với hơn 230 dự án có sử dụng vốn ODA vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ và các dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu và các dự án sử dụng vốn ngân sách tập trung…

Với đề xuất này, UBND Thành phố cho biết, qua rà soát nguyên nhận đề xuất giảm kế hoạch vốn năm 2022 của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, về phía chủ quan có nguyên nhân từ việc chậm thực hiện công tác quyết toán dự án, vướng mắc trong thực hiện thủ tục về bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, chậm phối hợp thực hiện các thủ tục đầu tư… Bên cạnh đó là các nguyên nhân khách quan như thực hiện theo quyết định quyết toán, kết luận kiểm toán.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng đề xuất bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp trước đây sử dụng ngân sách quận là 278,153 tỷ đồng từ nguồn thưởng vượt dự toán thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương và đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*