Trái ngược với nỗi thất vọng của các quỹ đầu tư lớn, Passion Investment của ông Lã Giang Trung vẫn sống khỏe nhờ “ôm” tiền

Thị trường chứng khoán vừa trải qua tháng 9 đầy sóng gió khi VN-Index giảm 11,5%, mạnh nhất trong vòng 30 tháng kể từ tháng 3/2020. Phần lớn các cổ phiếu đều giảm mạnh, thậm chí nhiều tên tuổi lớn còn thủng đáy Covid. Vì thế, không bất ngờ khi hầu hết các tổ chức lớn trên thị trường đều có hiệu suất âm trong khi Passion Investment vẫn “sống khỏe” nhờ ôm tiền mặt với hiệu suất danh mục trong tháng 9 ghi nhận mức dương 0,35%.

Với đặc thù là quỹ thụ động mô phỏng theo một rổ chỉ số nhất định, các ETFs thường khó xoay sở hơn các quỹ chủ động, đặc biệt trong bố cảnh thị trường có nhiều biến động mạnh bất thường như trong tháng 9 vừa qua.

Trái ngược với nỗi thất vọng của các quỹ đầu tư lớn, Passion Investment của ông Lã Giang Trung vẫn sống khỏe nhờ “ôm” tiền - Ảnh 1.

Passion Investment ngược dòng trong tháng 9 nhờ ôm tiền

Khó khăn thể hiện rõ qua hiệu suất của SSIAM VNFinLead ETF, VNM ETF, FTSE Vietnam ETF khi 3 quỹ này đều lỗ nặng hơn mức giảm của 2 chỉ số chính là VN-Index và VN30-Index. Khả quan hơn đôi chút, bộ đôi DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF có hiệu suất tương đương với mức giảm các chỉ số trên trong khi Fubon ETF tích cực nhất cũng giảm gần 9% trong tháng 9.

Về cơ bản, đa phần các ETFs trên đều mô phỏng theo danh mục có trọng số lớn đặt vào các cổ phiếu hàng đầu trong rổ VN30 như VIC, VHM, MSN, HPG, NVL,… Trong khi đó, 2 cái tên khác biệt là FinLead ETF với danh mục toàn cổ phiếu tài chính (ngân hàng, chứng khoán) như MBB, TCB, STB, SSI, VND,… và Diamond ETF với MWG, FPT, PNJ, REE,… chiếm tỷ trọng lớn. Hầu hết các cổ phiếu trên đều bị bán mạnh và giảm sâu trong tháng 9 gây ảnh hưởng lớn đến hiệu suất của các ETFs.

Chiều ngược lại, một số quỹ chủ động như VOF VinaCapital, Lion Global Vietnam Fund hay PYN Elite Fund đỡ tệ hơn nhưng hiệu suất cũng đều âm trên dưới 10%. Trong khi đó, VEIL, JPMorgan VOF, DCDS hay KIM Vietnam Korea là những cái tên có hiệu suất kém hơn VN-Index. Dù có thể chủ động hơn trong việc cơ cấu danh mục nhưng dường như nhịp giảm nhanh và mạnh từ nửa sau của tháng 9 đã khiến các quỹ đầu tư này không kịp trở tay.

Kết quả đáng thất vọng trong tháng 9 đã nhanh chóng dập tắt hy vọng ngược dòng mới nhen nhóm sau tháng 8 khởi sắc của các quỹ đầu tư lớn. Nhiều quỹ đầu tư như VEIL, PYN Elite Fund, DCDS, JPMorgan VOF, FinLead ETF đã lỗ trên 25% sau 9 tháng, sâu hơn so với mức giảm của 2 chỉ số VN-Index và VN30-Index. Thậm chí, bộ đôi ETF tên tuổi là VNM ETF và FTSE Vietnam ETF còn có hiệu suất âm đến hơn 35%.

Trái ngược với nỗi thất vọng của các quỹ đầu tư lớn, Passion Investment của ông Lã Giang Trung vẫn sống khỏe nhờ “ôm” tiền - Ảnh 2.

Hầu hết các quỹ đầu tư lớn đều lỗ nặng từ đầu năm

Những quỹ đầu tư có hiệu suất khả quan hơn đôi chút như Lion Global Vietnam Fund, VOF VinaCapital, KIM Vietnam Korea, Fubon ETF, VN30 ETF, đều lỗ khoảng 20-25% sau 9 tháng trong khi Diamond ETF tích cực nhất trong nhóm các quỹ thụ động cũng lỗ gần 13%. Passion Investment dù không thể đi ngược nhưng chỉ lỗ khoảng 3% từ đầu năm cũng là một kết quả đáng ghi nhận.

Trước đó, hồi giữa tháng 5 khi VN-Index vẫn đang trên 1.200, ông Lã Giang Trung, CEO của Passion Investment từng có nhận định gây sốc khi dự báo VN-Index có thể xuống đến 950 điểm. Chuyên gia này cho rằng thị trường chứng khoán đã đi vào downtrend và có thể giảm sâu 30-40% từ đỉnh với thời gian kéo dài ít nhất 1-2 năm. Thời điểm hiện tại, chưa có gì chắc chắn dự báo trên sẽ trở thành sự thật nhưng không thể phủ nhận chiến lược ôm tiền và gửi ngân hàng của Passion Investment đang mang lại hiệu quả nhất định trong bối cảnh thị trường biến động khó lường.

Ngược lại, các quỹ ngoại tên tuổi vẫn tỏ ra lạc quan hơn vào triển vọng của thị trường. PYN Elite Fund cho rằng nền kinh tế ổn định cùng triển vọng thu nhập bền vững của Việt Nam sẽ thúc đẩy TTCK nhanh chóng tăng trở lại một khi bất ổn lắng xuống và “khi bão qua đi, trời sẽ lại bừng sáng”. Theo dự báo của quỹ ngoại này, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7,5% trong năm nay và lợi nhuận của các công ty niêm yết có thể tăng 25%.

Tương tự, Dragon Capital đánh giá chứng khoán Việt Nam có triển vọng về lợi nhuận vượt trội trong nhóm các thị trường mới nổi trong khi rủi ro ở mức độ thấp hơn nhờ nội tại vĩ mô ổn định. Về mặt định giá, quỹ ngoại ước tính P/E của VN-Index sẽ về mức 12.1x sau khi phản ánh KQKD quý 3, so với mức đáy Covid tháng 3/2020 là 10.4x. Dragon Capital dự báo tăng trưởng có khả năng giảm tốc vào năm sau, tuy nhiên sẽ chỉ là chậm lại không phải tăng trưởng âm.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*