Mỹ đã thay thế Nga trở thành một trong những nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu, nhưng các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của họ có giá cao hơn nhiều, đẩy chi phí sản xuất của khu vực tăng cao. Châu Âu cũng cần Mỹ hỗ trợ để củng cố năng lực phòng thủ trong khi phải cố gắng tránh đối đầu trực tiếp với Nga, điều có thể đẩy họ vào tình thế nguy hiểm.
Giới quan sát nhận định các mối quan ngại về kinh tế và địa chính trị sẽ là chủ đề thảo luận chính khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới thăm Mỹ tuần này. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một lãnh đạo nước ngoài tới Mỹ kể từ khi Tổng thống Joe Biden đắc cử.
Chuyến thăm 4 ngày của Tổng thống Macron cũng đánh dấu việc Tổng thống Biden quay trở lại các hoạt động ngoại giao truyền thống vốn bị hạn chế trong thời kỳ Covid-19.
Giới chức Pháp cho biết ông Macron có kế hoạch gây sức ép lên ông chủ Nhà Trắng để tìm giải pháp giảm nguy cơ xung đột lan rộng hơn giữa Nga và phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine. Theo một quan chức cấp cao Pháp, Tổng thống Macron muốn tìm cách chấm dứt xung đột trên bàn đàm phán chứ không phải trên chiến trường và Ukraine sẽ là bên quyết định thời điểm cũng như nên đàm phán với Nga như thế nào.
Tổng thống Biden đến nay vẫn tìm cách tránh bị nhìn nhận rằng ông đang gây sức ép buộc người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ngồi vào bàn đàm phán với Nga. “Sẽ không có vấn đề nào của Ukraine mà không do Ukraine quyết định”, ông tuyên bố.
Các quan chức Mỹ cho hay Tổng thống Biden vẫn có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Macron, bất chấp những bất đồng giữa hai nước. Họ lưu ý rằng ông Biden đã chọn Pháp làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ song phương.
Nhưng Pháp, một trong những đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở châu Âu, đang ngày càng lo ngại về các chính sách kinh tế, chính trị của Washington. Tổng thống Macron cho rằng Đạo luật Cắt giảm Lạm phát (IRA) mà chính quyền ông Biden xây dựng và dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2023 sẽ là mối đe dọa với ngành công nghiệp châu Âu.
IRA sẽ cung cấp các khoản trợ cấp lớn và giảm trừ thuế cho những sản phẩm được sản xuất từ những linh kiện của Bắc Mỹ và được lắp ráp ở đó.
Theo giới chức châu Âu, quy định trên, được gọi là các yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa, sẽ là đòn giáng vào nhiều sản phẩm do châu Âu sản xuất như pin và xe điện, vốn không đủ điều kiện hưởng chính sách giảm trừ thuế.
Các quan chức Pháp lo ngại những nhà sản xuất vốn đã bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng cao ở châu Âu đang bắt đầu nghĩ đến việc chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ để hưởng trợ cấp cũng như nguồn nhiên liệu rẻ hơn.
Luật mới của Mỹ “có thể kích hoạt làn sóng phi công nghiệp hóa ở châu Âu”, Sébastien Jean, giáo sư kinh tế tại Đại học Conservatoire National des Arts et Métiers ở Paris, nhận xét.
Tổng thống Macron dự định đề nghị người đồng cấp Mỹ miễn trừ yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa đối với các công ty châu Âu, tương tự những công ty Canada hay Mexico, theo các quan chức Pháp am hiểu vấn đề.
Giới chức Nhà Trắng thừa nhận đây có thể là chủ đề thảo luận quan trọng giữa hai lãnh đạo, song họ không cho rằng những bất đồng sẽ được giải quyết ngay trong chuyến thăm. Họ nhấn mạnh Mỹ cam kết đảm bảo cho châu Âu có một nguồn cung năng lượng ổn định trong mùa đông này và xa hơn thế nữa.
“Chúng tôi muốn tìm cách thảo luận và giải quyết những mối lo ngại đó”, John Kirby, điều phối viên về truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho hay. “Nhưng đây không phải cuộc chơi mà bên thắng được tất”.
Ông Macron tuần trước tổ chức tiệc tối tại Điện Elysee cùng hàng chục giám đốc điều hành từ các công ty lớn trong khu vực, như nhà sản xuất ôtô Đức BMW, hãng dược phẩm Anh AstraZeneca hay tập đoàn khí công nghiệp Pháp Air Liquide, yêu cầu họ không chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ.
Ông Macron cũng kêu gọi châu Âu có một phản ứng thống nhất trước đạo luật IRA của Mỹ. Các quan chức Pháp cho biết họ muốn Liên minh châu Âu (EU) áp dụng những khoản miễn trừ thuế của riêng mình nhằm khiến các công ty châu Âu không rời đi vì sức hút từ IRA.
“Chúng ta cần một Đạo luật Mua hàng châu Âu giống như Mỹ”, ông Macron nói hồi tháng trước. “Chúng ta đã thấy cách Trung Quốc hay Mỹ bảo vệ ngành công nghiệp của họ, trong khi châu Âu vẫn là mở toang cánh cửa của mình”.
Hồi mùa thu, các quan chức Mỹ và EU đã thành lập một nhóm chuyên trách chung để thảo luận về IRA. Một quan chức Mỹ cho hay nhóm thảo luận này là diễn đàn hữu ích giúp Washington lắng nghe những lo ngại ở châu Âu về các khoản trợ cấp họ dự định áp dụng.
Mặt khác, vụ tên lửa được cho là của Ukraine rơi xuống lãnh thổ Ba Lan hồi đầu tháng tiếp tục khoét sâu mối lo ngại ở châu Âu về nguy cơ xung đột giữa Moskva và Kiev lan sang lãnh thổ NATO và cùng với đó là nguy cơ đối đầu giữa các cường quốc hạt nhân.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan gần đây tham gia nhiều cuộc thảo luận bí mật với các trợ lý hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm cảnh báo Moskva không sử dụng vũ khí hạt nhân hay vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời kêu gọi duy trì các kênh liên lạc giữa đôi bên, theo một số quan chức Mỹ và phương Tây.
Marwan Bishara, bình luận viên chính trị cấp cao của Al Jazeera, cho rằng Pháp và Đức, hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu, đang nỗ lực tìm cách độc lập hơn về an ninh và chính trị với Mỹ. Họ cho rằng chính quyền Tổng thống Biden đang dựa vào mối đe dọa từ Nga để thúc đẩy lợi ích của Mỹ tại châu Âu.
“Chủ nghĩa dân túy kinh tế của Mỹ và rạn nứt địa chính trị đe dọa khả năng cạnh tranh về lâu dài của EU”, Economist cảnh báo trong bài bình luận hôm 24/11. “Không chỉ thịnh vượng của châu Âu đang gặp nguy hiểm, mà sức khỏe của liên minh xuyên Đại Tây Dương cũng vậy”.
Tổng thống Macron lâu nay vẫn tìm cách xây dựng hình ảnh một người trung gian hòa giải cho xung đột Ukraine. Vài tuần trước khi chiến sự nổ ra, ông đứng ra thay mặt phương Tây đối thoại với Tổng thống Putin, đồng thời cố gắng thu xếp một cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Nga – Mỹ.
Những nỗ lực của ông cuối cùng thất bại khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2. Nhưng Tổng thống Macron không dừng lại, ông vẫn duy trì các cuộc điện đàm thường xuyên với người đồng cấp Nga, khiến một số lãnh đạo ở Đông Âu thất vọng, cho rằng Paris đang quá mềm mỏng với Moskva.
Khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia hồi đầu tháng, ông Macron kêu gọi Bắc Kinh đóng vai trò lớn hơn trong các cuộc đàm phán với Moskva.
Ông Macron nói với ông Tập rằng với tư cách là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc có trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh liên quan đến vấn đề Ukraine, theo các quan chức Pháp. Tổng thống Pháp còn nói ông có kế hoạch đến Trung Quốc vào đầu năm tới.
Một số quan chức Mỹ tiết lộ Trung Quốc cũng có thể là chủ đề thảo luận chính giữa Tổng thống Macron và Biden trong tuần này.
“Châu Âu có lợi ích riêng của mình. Quan điểm về Trung Quốc giữa hai bên không giống nhau. Nhưng tôi nghĩ hai bên có chung quan điểm mạnh mẽ rằng Mỹ và châu Âu nên đi theo kịch bản chung để đối đầu với Trung Quốc”, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nhấn mạnh.
Trong khi đó, các lãnh đạo châu Âu đang tìm cách gây sức ép để Mỹ tham vấn và phối hợp với họ trước khi đưa ra bất cứ quyết định chiến lược nào có ảnh hưởng lớn tới EU hay mối quan hệ liên minh. “Chúng ta phải thức tỉnh, bởi cả Mỹ lẫn Trung Quốc sẽ không khoan dung với chúng ta”, ông Macron cảnh báo.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, Al Jazeera, Economist)
Để lại một phản hồi