Ba Lan khi đó đã gấp rút thông qua luật cho phép tăng gấp đôi quy mô quân đội và tăng cường mua sắm vũ khí. Trong gần một năm qua, nước này đã ký các hợp đồng vũ khí lớn đến kinh ngạc.
Ba Lan mua gần 500 pháo phản lực HIMARS và các hệ thống tương đương. Warsaw cũng lên kế hoạch mua 700 pháo tự hành hạng nặng, gấp sáu lần số pháo tự hành trong biên chế quân đội Đức. Số xe tăng chiến đấu hiện đại của Ba Lan ước tính sẽ nhiều hơn của Anh và Pháp cộng lại.
Ba Lan không phải quốc gia duy nhất khởi động cuộc chạy đua vũ trang sau khi xung đột Ukraine nổ ra. Nhiều nước trên khắp thế giới đang đánh giá lại năng lực quân sự, từ kho đạn đến hệ thống vũ khí và các tuyến tiếp tế hậu cần.
“Đây là dấu hiệu cho thấy kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh đã kết thúc từ ngày 24/2/2022, thời điểm xung đột Ukraine nổ ra”, Francois Heisbourg, nhà phân tích quốc phòng Pháp, nói. “Quân đội các nước phương Tây đều đối mặt với thực tế này, bởi rõ ràng hiện không quốc gia nào, kể cả Mỹ, có kho vũ khí cần thiết để đối phó với cuộc chiến cường độ cao và quy mô lớn”.
Với những nước gần Ukraine, cuộc xung đột thúc đẩy họ chú trọng vào các mục tiêu tăng ngân sách quốc phòng, tăng năng lực sản xuất trong nước, quy mô lực lượng xe tăng, pháo binh và phòng không.
Ngay cả Hungary, quốc gia thân thiện với Nga, cũng chạy đua củng cố năng lực quân sự, khi lo ngại môi trường an ninh biến động khó lường. Nước này đã đặt mua 45 xe tăng Leopard II mới, 218 xe chiến đấu bộ binh Lynx, trực thăng Airbus 225 và German PzH 2000, cũng như hệ thống phòng không NASAMS của Mỹ nhằm tăng cường sức mạnh cho hệ thống phòng không.
Đối với hầu hết các nước NATO, xung đột Ukraine diễn ra vào thời điểm ít ngờ nhất. Sau khi Liên Xô tan rã, các nước NATO đồng loạt cắt giảm ngân sách quốc phòng, chấm dứt chế độ nghĩa vụ quân sự, với niềm tin rằng một cuộc chiến tranh lớn trên bộ khó có thể xảy ra ở châu Âu.
Đức, quốc gia sở hữu hàng nghìn xe tăng trong những năm 1980, giờ chỉ có 321 chiếc, theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Anh. Trong khi đó, Anh, nước từng phân bổ 4% GDP cho lực lượng vũ trang 325.000 nghìn người vào giữa những năm 1980, giờ chi khoảng 2% GDP cho quân đội 150.000 người.
Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) đánh giá toàn bộ kho đạn pháo 155 mm của quân đội nước này sẽ cạn kiệt chỉ trong hai ngày nếu khai hỏa với tần suất như của lực lượng Nga ở vùng Donbass mùa hè năm ngoái.
Xung đột Ukraine trong năm qua dường như đã đảo ngược xu hướng cắt giảm chi tiêu quốc phòng, ngay cả ở những nước có ngân sách eo hẹp.
Ngân sách quốc phòng năm 2023 của Ba Lan đã tăng gấp đôi so với năm ngoái, trong đó 22 tỷ USD từ ngân sách trung ương và thêm khoảng 6,7 tới gần 9 tỷ từ quỹ quân đội được thiết lập năm ngoái. Warsaw cho biết họ sẽ chi 4% GDP cho quốc phòng trong năm nay.
Ba quốc gia vùng Baltic gồm Litva, Estonia và Latvia cũng bắt đầu tăng cường mua sắm quốc phòng theo cách của Ba Lan.
Đức đã thiết lập quỹ 100 tỷ euro (107 tỷ USD) để giúp ngân sách quốc phòng nước này đáp ứng mục tiêu 2% GDP của NATO. Berlin dự kiến tăng ngân sách quốc phòng lên hơn 10 tỷ USD trong năm tới.
Nỗ lực tăng ngân sách đang định hình lại lĩnh vực quốc phòng của Đức. Tập đoàn quốc phòng Rheinmetall AG đang đầu tư hàng trăm triệu USD vào các nhà máy và dây chuyền mới trong nước và ở các quốc gia lân cận như Hungary, nhằm mở rộng khả năng sản xuất xe tăng và đạn dược.
Diehl Defence cũng chạy đua tăng sản lượng hệ thống phòng không IRIS-T, được Ukraine ca ngợi có tỷ lệ đánh chặn chính xác gần 100%. Đây là hệ thống đóng vai trò quan trọng trong sáng kiến của Thủ tướng Olaf Scholz nhằm tạo ra lá chắn tên lửa của châu Âu.
Pháp cũng đang tìm cách tái cấu trúc lực lượng để đủ sức đối phó với cuộc chiến cường độ cao. Chính phủ nước này công bố phân bổ ngân sách gần 430 tỷ USD trong giai đoạn 2024-2030, tăng hơn 30% so với kế hoạch hiện tại.
Bộ Quốc phòng Anh đề nghị chi 12 tỷ USD để đáp ứng tình hình lạm phát và tăng ngân sách tái thiết quân đội sau nhiều thập kỷ cắt giảm. Quyết định cắt giảm lực lượng giờ đây được Anh xem là một “sai lầm chiến lược”.
Ở châu Á, Ấn Độ cũng có những động thái tăng cường năng lực quốc phòng do lo ngại xung đột. Chính phủ Ấn Độ đã đặt hàng 120 tên lửa đạn đạo tầm ngắn Pralay, loại vũ khí tương tự Iskander của Nga. New Delhi cũng đặt hàng thêm tên lửa phòng không vác vai, loại vũ khí đã góp phần giúp Ukraine ngăn không quân Nga thống trị bầu trời.
Ấn Độ cũng nỗ lực giảm phụ thuộc vào vũ khí Nga bằng cách tăng hợp tác quốc phòng với Mỹ và Pháp. Nước này cũng dành 2/3 ngân sách mua sắm quốc phòng cho các nhà sản xuất trong nước, tăng 7% so với năm tài khóa 2022-2023.
“Việc phụ thuộc vào các vũ khí có nguồn gốc từ Nga là một vấn đề”, Tư lệnh lục quân Ấn Độ Manoj Pande nói tháng trước, thêm rằng nước này đang tìm kiếm những nguồn cung thay thế.
Giữa cuộc chạy đua mua sắm vũ khí toàn cầu, Dara Massicot, chuyên gia quân sự tại RAND, tổ chức tư vấn có trụ sở ở California, cảnh báo các nước không nên vội vàng đi đến kết luận về các loại khí tài phù hợp với nhu cầu, khi cục diện chiến trường Ukraine chưa ngã ngũ.
Theo Massicot, phần lớn xe tăng Nga bị phá hủy ở Ukraine không phải do tên lửa Javelin hay NLAW, mà chủ yếu do hỏa lực pháo binh trực tiếp. Kết quả trên chiến trường cũng có thể thay đổi khi Nga rút được bài học kinh nghiệm và triển khai lực lượng không quân hiệu quả hơn. “Chúng ta cần cẩn thận xem xét những bài học rút ra từ cuộc chiến này”, chuyên gia nói.
Nhưng Ba Lan không muốn chờ đợi.
Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Błaszczak năm ngoái cho biết Ba Lan sẽ thành lập hai sư đoàn mới với 20.000 binh sĩ để tăng cường phòng thủ ở miền trung và miền đông.
Khi không thể nhanh chóng mua đủ 486 tổ hợp HIMARS từ Mỹ do hạn chế trong năng lực sản xuất của tập đoàn Lockheed Martin, Ba Lan cuối năm ngoái ký thỏa thuận đặt mua từ Hàn Quốc 288 bệ phóng pháo phản lực K239 Chunmoo, một phiên bản giống HIMARS nhưng nặng hơn và có thể mang gấp đôi số lượng bệ phóng. 18 hệ thống K239 Chunmoo đầu tiên dự kiến được bàn giao trong năm nay.
Đạo luật Quốc phòng Nội địa được Ba Lan công bố năm ngoái cho biết sẽ tăng số binh sĩ từ 114.000 lên 250.000 người trong 12 năm, tương đương tuyển thêm 11.000 lính mới mỗi năm.
Quyết tâm tăng năng lực quốc phòng của Ba Lan khiến nhiều người hoài nghi. Thêm hàng trăm tổ hợp HIMARS và Chunmoo đòi hỏi nguồn lực khổng lồ, như vài nghìn nhân viên vận hành và bảo dưỡng. Các hệ thống cũng yêu cầu có thêm kho bãi cho hàng nghìn tên lửa mới.
Ba Lan cũng cần chuẩn bị hệ thống bảo trì và hậu cần rất lớn cho gần 1.400 xe tăng chủ lực mới theo kế hoạch, gồm 366 chiếc Abrams của Mỹ và 1.000 chiếc K2 Panther của Hàn Quốc.
“Mặc dù hướng đi có vẻ đúng, khi nhìn vào số lượng thiết bị đặt hàng, tôi không chắc liệu họ đã phân tích chuyên sâu về nơi đặt kho lưu trữ hay ai sẽ vận hành, bảo trì chúng”, Tomasz Drewniak, cựu thanh tra không quân Ba Lan, chia sẻ. “Chi phí mua vũ khí mới chỉ chiếm 25-30% toàn bộ ngân sách cần thiết để duy trì lực lượng quân đội”.
Thanh Tâm (Theo Bloomberg)
Để lại một phản hồi