Dự án cầu vượt nút giao Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) được triển khai từ tháng 10/2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2022, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thànhphố Hà Nội làm chủ đầu tư.
Cầu vượt dạng chữ C có chiều dài 318m, rộng 9m với 2 làn hỗn hợp. |
Liên danh nhà thầu dự án này gồm Công ty cổ phần tập đoàn Thành Long, Cienco1, Công ty cổ phần xây dựng kỹ thuật Việt Hưng đảm nhiệm thi công.
Trong đó, Công ty Thành Long thực hiện thi công kết cấu dầm thép phần trên, gồm chế tạo và lắp đặt 35 phiến dầm hộp thép liên hợp.
Cầu vượt chữ C được thiết kế kết cấu nhịp cầu dầm hộp thép liên hợp bản bê tông cốt thép, tổng chiều dài 320,4m, kéo dài từ đường Phạm Ngọc Thạch sang phố Chùa Bộc. Dự án được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ khắc phục ùn tắc giao thông tại nút giao này.
Tuy nhiên, tiến độ xây dựng cầu chậm trễ, rào chắn trên tuyến đường Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch gây cản trở, ùn tắc giao thông khiến không ít người dân bức xúc.
Chính vì thế, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Hà Nội đã làm việc với đại diện các nhà thầu để làm rõ sự chậm trễ này nhằm đưa ra phương án giải quyết.
Ông Bùi Mạnh Cường, Trưởng phòng Quản lý dự án 2, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Hà Nội cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ công trình là do chưa được cấp phép vận chuyển dầm thép từ các xưởng gia công chế tạo đến công trường.
Thông tin thêm về nguyên nhân chậm trễ của đơn vị, đại diện Công ty Thành Long cho hay, dầm thép ban đầu được chế tạo tại xưởng gia công đặt trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, sau đó, để đảm bảo tiến độ phải gia công thêm tại xưởng ở Thành phố Hải Phòng.
Tiến độ xây dựng cầu vượt chữ C chậm trễ, rào chắn gây cản trở, ùn tắc giao thông khiến người dân bức xúc. |
Hiện toàn bộ 35 phiến dầm thép đã được chế tạo xong, tuy nhiên đơn vị này chưa xin được giấy phép vận chuyển nên chưa đưa được về công trường để lao lắp. Đại diện công ty Thành Long lý giải, đây là khó khăn không lường trước được.
Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải, các địa phương có tuyến đường dẫn dầm đi qua yêu cầu Công ty Thành Long phải thống nhất cơ quan chức năng về lộ trình, phương án đảm bảo an toàn giao thông mới cấp phép vận chuyển là điều đương nhiên không phải bây giờ mới có.
Đặc biệt, quá trình vận chuyển dầm từ Hải Phòng đến Hưng Yên phải đi qua các trạm thu phí tại Km82+80 và Km18+100, trên Quốc lộ 5 cũ. Do kích thước bề ngang của dầm thép lớn từ 6,5m trở lên, vượt quá khổ rộng của trạm thu phí nên phải làm thủ tục thỏa thuận tạm tháo dỡ, mở rộng trạm cho xe qua, dẫn đến mất thêm nhiều thời gian.
Việc Công ty Thành Long đến nay vẫn chưa xin được giấy phép vận chuyển, chưa đưa dầm đến lắp đặt, trong khi chủ đầu tư đã bàn giao kết cấu phần dưới khiến dự án cầu vượt chữ C dậm chân tại chỗ nhiều tháng qua.
Cùng với sự chậm trễ của nhà thầu Thành Long, dự án cầu vượt chữ C còn mất thêm thời gian di dời hệ thống công trình ngầm nổi trên phố Chùa Bộc.
Ông Phạm Văn Duân, Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phốHà Nội cho biết, khi bào giao mặt bằng, chủ đầu tư không được tiếp nhận hồ sơ kỹ thuật về một số hạng mục dây cáp, ống cấp và thoát nước.
Quá trình thi công mới phát hiện còn khoảng 30 sợi cáp quang của 11 đơn vị viễn thông cắt qua tim cọc. Cùng với đó là hệ thống thoát nước ngang đường tại vị trí cọc khoan nhồi T1 và T3.
Ngoài ra còn phát hiện hệ thống ống cấp nước sạch D315 cắt ngang đường tại vị trí khoan cọc T3. Rất may hệ thống này đã bỏ không sử dụng, chỉ cần đào, thải không gây ảnh hưởng đến công tác cấp nước sạch cho người dân.
Cũng theo Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Hà Nội, hiện tất cả các công trình ngầm nổi phát sinh đã được xử lý hoàn tất, đủ điều kiện thi công lắp ghép cấu kiện dầm và xà mũ.
Chủ đầu tư đã có nhiều cuộc họp với nhà thầu nhằm tháo gỡ khó khăn, đôn đốc tiến độ. Dự kiến hoàn thành lao lắp dầm thép trong tháng 12 tới, tháng 1/2023 sẽ hoàn thành công trình.
Để lại một phản hồi