Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa nâng chuỗi phiên tăng điểm lên con số 5 trong bối cảnh lực cầu tích cực đẩy chỉ số VN-Index chốt phiên tại mức cao nhất trong ngày. Hàng loạt nhóm cổ phiếu tăng điểm tốt và tạo xung lực kéo thị trường đi lên qua những ngưỡng kháng cự ngắn hạn. Đáng chú ý, cổ phiếu Novaland (NVL) sau 2 phiên hồi phục tích cực tiếp tục duy trì phong độ ấn tượng, tăng kịch trần 6,9% lên 23.350 đồng/cp.
Đặc biệt, không chỉ bứt phá về giá, giao dịch trên NVL cũng bùng nổ với khối lượng giao dịch thoả thuận kỷ lục gần 72 triệu đơn vị, cộng thêm hơn 23 triệu cổ phiếu giao dịch trên kênh khớp lệnh thì KLGD trong phiên đạt 95 triệu đơn vị. Tổng cộng giá trị giao dịch trên NVL đạt hơn 2.100 tỷ đồng, chiếm hơn 1/9 thanh khoản sàn HoSE. Trước đó, phiên 22/11 vừa ghi nhận kỷ lục về thanh khoản khớp lệnh của NVL khi gần 129 triệu đơn vị được giao dịch, ứng với giá trị 3,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 21% thanh khoản khớp lệnh trên HoSE.
Như vậy, sau quãng giảm sàn 17 phiên liên tiếp, 2 phiên tăng trần gần nhất giúp thị giá NVL lấy lại hơn 13% giá trị từ đáy, tương ứng vốn hóa thị trường lấy lại gần 6.000 tỷ đồng. Dù vậy, mức vốn hóa hơn 45.500 tỷ đồng doanh nghiệp bất động sản này ở thời điểm hiện tại đã giảm tới 75% so với đỉnh đạt được hồi tháng 6/2021
Đáng chú ý, khối lượng giao dịch thoả thuận kỷ lục của NVL diễn ra trong phiên đầu tiên của hoạt động bán 150 triệu cổ phiếu NVL (tương đương gần 7,7% vốn điều lệ) của CTCP NovaGroup, nơi ông Bùi Thành Nhơn đang là Chủ tịch HĐQT. Phương thức giao dịch theo đăng ký là thỏa thuận cho các nhà đầu tư và tổ chức có năng lực tài chính và thời gian dự kiến giao dịch từ 30/11 – 29/12/2022. Mục đích thực hiện giao dịch là tập trung bổ sung các nguồn vốn để thực hiện các phương án xử lý trái phiếu, đưa hệ số tài chính của công ty về mức an toàn trong chiến lược tái cấu trúc toàn bộ tập đoàn.
Tuy nhiên, khi chưa tới thời gian bán thoả thuận, NovaGroup đã báo cáo đã bán ra hơn 12,7 triệu cổ phiếu NVL trong phiên 22/11. Cần nói rằng NovaGroup không đề cập đến mục đích giao dịch và trước đó cũng không có thông báo đăng ký bán. Do đó, không loại trừ khả năng đây là lượng cổ phiếu bị bán giải chấp bởi các công ty chứng khoán.
Liên quan tới Novaland, theo thông tin mới nhất, doanh nghiệp này đang phối hợp cùng các đơn vị tư vấn như EY – Parthenon, Red Capital, Công ty luật YKVN … đánh giá tổng thể tình hình và đưa ra các giải pháp tái cấu trúc toàn diện nhằm ứng phó với tình hình hiện tại. Một trong những thay đổi đáng chú ý được đưa ra là ông Bùi Thành Nhơn sẽ trở lại với cương vị là Chủ tịch HĐQT. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ xin ý kiến cổ đông về việc thay đổi cơ Hội đồng quản trị, điều chỉnh số lượng thành viên HĐQT từ 7 xuống 5 và bầu lại thành viên HĐQT.
Mới đây, Chủ tịch đương nhiệm Novaland là ông Bùi Xuân Huy đã có thư gửi khách hàng. “Chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và đang cùng với cổ đông, đối tác nước ngoài, đội ngũ chuyên gia hàng đầu (Ernst & Young, KPMG, Công ty Luật YKVN) làm việc ngày đêm để giúp NVL rà soát, cân đối lại dòng tiền để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án trọng điểm đang triển khai như Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và các dự án bất động sản trung tâm Tp.HCM”.
Trước đó, trong thông báo tới cổ đông ngày 22/11, Novaland cũng đã khẳng định các tin đồn về tình hình nợ và khả năng thanh toán của tập đoàn là không chính xác. Các hoạt động phát hành trái phiếu của Novaland đều tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Để đảm bảo năng lực tài chính và chuẩn bị cho các dự án sắp tới, Novaland đã tích cực làm việc với các đối tác tài chính trong nước và quốc tế. Tập đoàn tiếp tục nhận được những cam kết và hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính từ các đối tác.
Để lại một phản hồi