Tổng thống Hàn Quốc đối mặt thách thức sau vụ giẫm đạp

Vụ giẫm đạp ở Itaewon, Seoul khiến nhiều người nhớ tới thảm kịch chìm phà Sewol hồi năm 2014, khiến 300 người, chủ yếu là học sinh, thiệt mạng. Hai biến cố đều tước đi sinh mạng của nhiều người trẻ, đồng thời đặt ra thách thức rất lớn đối với lãnh đạo của đất nước.

Trong cả hai trường hợp, năng lực quản lý yếu kém của các quan chức trong chính quyền được cho là nguyên nhân chính dẫn đến thảm kịch vốn hoàn toàn có thể ngăn chặn được. Trong cả hai sự việc, người dân Hàn Quốc đều đòi hỏi chính phủ đưa ra câu trả lời cho những yếu kém đó.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại hiện trường vụ giẫm đạp trong lễ hội Halloween ở khu Itaewon, thủ đô Seoul, hôm 30/10. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (giữa) tại hiện trường vụ giẫm đạp trong lễ hội Halloween ở khu Itaewon, thủ đô Seoul, hôm 30/10. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Hàn Quốc vào thời điểm xảy ra thảm họa chìm phà Sewol là bà Park Geun-hye, đã không đứng ra nhận trách nhiệm cá nhân với thảm kịch. Thay vào đó, nhà chức trách kết luận nguyên nhân tai nạn là do đơn vị điều hành phà đã chở quá tải và thủy thủ đoàn bỏ rơi hành khách khi phà bắt đầu chìm.

Nhưng phản ứng có phần sắt đá, lạnh lùng của bà Park trước thảm kịch đã khiến nhiều người quay lưng với bà. Câu hỏi lớn được đặt ra trong cuộc điều tra lúc bấy giờ là trong 7 tiếng sau sự cố, bà đã làm gì và ở đâu trước khi thông báo cho cả nước.

Vụ bê bối tham nhũng vỡ lở sau đó đã nhấn chìm sự nghiệp chính trị của bà Park, khiến bà bị phế truất và lĩnh án 20 năm tù.

Khác với người tiền nhiệm, Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm Yoon Suk-yeol có phản ứng nhanh chóng hơn khi thảm kịch giẫm đạp xảy ra. Ông lập tức tuyên bố quốc tang và thành lập một đội chuyên trách điều tra sự việc ở Itaewon.

Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện tại, ông Yoon đối mặt với thử thách chính trị rất lớn và chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến ông phải trả giá.

Trước khi thảm họa giẫm đạp xảy ra, tỷ lệ ủng hộ ông Yoon đã ở mức rất thấp. Trong một cuộc khảo sát hồi cuối tháng 9 của Viện Gallup, cơ quan chuyên thăm dò ý kiến dư luận Hàn Quốc, có tới 65% số người tham gia khảo sát nói Tổng thống Yoon đang không làm tốt công việc điều hành đất nước.

Các thảm kịch liên quan đến người trẻ thường đặc biệt gây đau thương, như vụ giẫm đạp ở Itaewon hay vụ chìm phà Sewol. Hồi năm 2001, thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ Yoshiro Mori đã bị chỉ trích nặng nề vì vẫn tiếp tục chơi golf sau khi nhận được tin báo một tàu ngầm hạt nhân Mỹ đâm vào tàu cá Ehime Maru đang chở học sinh trung học, khiến 4 người thiệt mạng. Ông Mori, vốn đã không được nhiều người ủng hộ, mất chức chỉ hai tháng sau đó.

Chính vì thế, Tổng thống Yoon và các quan chức trong chính quyền của mình cần vô cùng thận trọng trong từng hành động và lời nói, tránh những bình luận như Bộ trưởng Nội vụ của ông rằng vụ giẫm đạp không phải vấn đề có thể giải quyết “bằng cách triển khai trước cảnh sát hay lính cứu hỏa”, bình luận viên Gearoid Reidy từ Bloomberg đánh giá.

Từ các vụ giẫm đạp từng xảy ra trên thế giới, bài học cơ bản được các chuyên gia về kiểm soát đám đông rút ra là nếu giới chức lên kế hoạch ứng phó đầy đủ, tai nạn hoàn toàn có thể tránh được bằng nhiều cách khác nhau như giải tỏa các điểm tắc nghẽn hay hạn chế người dân tiến vào những khu vực nguy hiểm.

Nhiều người đang đặt câu hỏi liệu việc chính quyền Hàn Quốc triển khai 137 sĩ quan cảnh sát tới lễ hội Halloween ở Itaewon, sự kiện thu hút tới 100.000 người tham gia, có phù hợp hay không.

Tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, cảnh sát năm ngoái đã ngăn chặn được thảm kịch lớn khi một kẻ tấn công hóa trang thành nhân vật gã hề Joker đâm dao hành khách trên một chuyến tàu, khiến 17 người bị thương và gây ra cảnh hỗn loạn. Cảnh sát Tokyo từ vài năm trước đó đã đặc biệt chú ý tới lễ hội Halloween và lên các phương án đối phó.

Khu vực thảm kịch giẫm đạp xảy ra. Đồ họa: WP.

Khu vực thảm kịch giẫm đạp xảy ra. Đồ họa: WP.

Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, họ đã hạn chế quy mô các sự kiện vui chơi ở khu vực Shibuya, giống như Itawon, địa điểm thu hút hàng nghìn người trẻ tới giải trí.

Nhờ nghiên cứu kỹ các lễ hội ngày càng tăng về quy mô ở Shibuya trong những năm 2010, chính quyền Tokyo năm 2019 bắt đầu áp dụng các biện pháp kiểm soát đám đông chặt chẽ hơn.

Họ yêu cầu các cửa hàng không bán rượu, cấm uống rượu trên đường phố và cho hàng trăm cảnh sát cũng như nhân viên an ninh túc trực ở các góc phố để ngăn mọi người dừng lại tụ tập quá lâu.

Trong khi đó, giới chức Hàn Quốc đã không thành lập ban tổ chức cho lễ hội Halloween ở Itaewon, cũng không lên bất cứ kế hoạch nào để ứng phó với thảm kịch giẫm đạp.

Giới quan sát cho rằng để ngăn chặn những thảm kịch như vụ giẫm đạp ở Itaewon không phải điều dễ dàng, đặc biệt khi chính quyền muốn để người dân có được tự do và vui vẻ sau gần hai năm áp hạn chế ngăn Covid-19.

“Nhưng những gì xảy ra ở Itaewon chắc chắn không phải thảm họa tự nhiên”, bình luận viên Reidy nhấn mạnh. “Những sự kiện như vậy nên và có thể tránh được. Tương lai chính trị của Tổng thống Yoon phụ thuộc vào việc ông sẽ làm gì tiếp theo”.

Vũ Hoàng (Theo Bloomberg)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*