Thông tin từ Credit Suisse cho biết, nhà băng này có thể báo lỗ khoảng 1,6 tỷ USD trong quý IV/2022 sau khi các khách hàng đồng loạt rút vốn. Nếu trở thành sự thật, đây sẽ là khoản lỗ trước thuế lớn nhất đối với Credit Suisse.
Trong giai đoạn từ ngày 30/9/2022 tới 11/11/2022, khách hàng đã rút khoảng 88,3 tỷ USD, tương đương 6% tổng tài sản của Credit Suisse. Riêng với lĩnh vực quản lý tài sản – hoạt động kinh doanh chính của nhà băng này, khách hàng đã rút 66,7 tỷ USD.
Trước đó, vào đầu tháng 10, Credit Suisse đã “gây bão” trong cộng đồng tài chính – đầu tư toàn cầu khi xuất hiện tin đồn phá sản. Nguyên nhân “tin đồn” Credit Suisse phá sản xuất phát từ việc các thành viên thị trường nhận thấy tín hiệu lạ. Cụ thể, chi phí bảo hiểm trái phiếu của Công ty để bảo vệ cho trường hợp vỡ nợ đã tăng khoảng 15%, đẩy giá giao dịch CDS (Credit Default Swap) của Credit Suisse lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2009.
CDS là công cụ hợp đồng phái sinh về tín dụng giữa hai đối tác, được xem như một công vụ phòng vệ rủi ro tài chính, giống như các loại hợp đồng bảo hiểm. Bên mua trả phí bảo vệ rủi ro để được bồi thường một khoản tiền cố định nếu sự cố thực sự xảy ra.
Chính vì vậy, việc CDS của Credit Suisse tăng mạnh làm dấy lên nghi ngờ liệu Công ty có phá sản. Tin đồn càng lan rộng trong bối cảnh tình hình kinh doanh của Credit Suisse khá bết bát. Trong khi đa phần các nhà băng phố Wall công bố kinh doanh có lợi nhuận, Credit Suisse đã thua lỗ trong 3 quý liên tiếp.
Credit Suisse lên tiếng cho rằng, chính các tin đồn lan truyền trên mạng xã hội là nguyên nhân khiến tình trạng rút vốn diễn ra trầm trọng. Trong năm nay, Credit Suisse chi thu hút được thêm khoảng 30 tỷ USD tài sản mới, và chưa từng công bố lượng vốn bị rút hàng năm kể từ năm 2008 cho đến nay.
Các chiến lược gia tại JPMorgan nhận định, tình hình dòng vốn rút ra khỏi Credit Suisse còn tệ hơn nhiều so với con số được nhà băng này công bố. Dòng vốn rút ra với tốc độ cao đồng nghĩa với việc thanh khoản của Credit Suisse sẽ giảm xuống dưới mức yêu cầu. Trong đó, theo quy định đảm bảo thanh khoản và tỷ lệ an toàn, các nhà băng cần giữ tài sản dễ thanh khoản đáp ứng lượng tiền rút ra trung bình trong giai đoạn 30 ngày.
Giá cổ phiếu Credit Suisse liên tục đi xuống kể từ đầu năm tới nay.
Theo nguồn tin của Reuters, Credit Suisse đang tìm cách đẩy nhanh hơn nữa hoạt động cắt giảm chi phí so với kế hoạch được công bố cách đây 1 tuần. Trong đó, nhà băng này sẽ giảm khoảng 5% lực lượng nhân sự tại trụ sở chính khu vực châu Á tại Hồng Kông, chủ yếu nhắm tới nhóm nhân viên cấp trung và cao cấp, một động thái mạnh tay hơn nữa so với kế hoạch cắt giảm chi phí. Trong tuần trước, Credit Suisse cho biết, nhà băng này sẽ giảm 2.700 việc làm trong quý IV và tiếp tục giảm tới 9.000 việc làm trong thời gian tới.
Các thông tin tiêu cực tiếp tục xuất hiện ngay cả khi Credit Suisse đã được cổ đông chấp thuận kế hoạch huy động thêm 4 tỷ USD từ việc phát hành cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu và nhóm nhà đầu tư mới. Trong đó, Saudi National Bank cho biết sẽ mua khoảng 9,9% lượng cổ phiếu mới được phát hành.
Một số chuyên gia lo ngại, lượng vốn huy động mới không đủ nếu kế hoạch cải tổ của Credit Suisse không có hiệu quả. Nhà băng cần dựa vào hoạt động kinh doanh chính và cải thiện hiệu quả hoạt động.
Dòng vốn rút ra lớn cũng tương đồng với việc lượng khách hàng của Credit Suisse giảm sút. Nhà băng sẽ chứng kiến doanh thu từ phí đi xuống. Chưa kể, với nhà băng 160 năm lịch sử này, việc các khách hàng trung thành rời bỏ cũng là tín hiệu đáng báo động, nhất là khi mức độ cạnh tranh trên thị trường khốc liệt hơn. Trong quý III/2022, đối thủ của Credit Suisse là UBS Group AG đã công bố doanh thu phí tăng thêm 35 tỷ USD từ mảng quản lý tài sản – một trong những lĩnh vực mạnh nhất của Credit Suisse.
Để lại một phản hồi