Toàn cảnh drama Credit Suisse: Hàng loạt bê bối cho tới ngày khủng hoảng thanh khoản

Ngày 17/3, Credit Suisse được Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ bơm thanh khoản với gói vay 50 tỷ fran (44,5 tỷ bảng Anh) để củng cố tài chính, sau khi cổ phiếu của nhà băng này giảm xuống mức thấp kỷ lục, giảm gần 98% so với mức đỉnh cao nhất đạt được vào tháng 4/2007.

Cũng với việc Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ “cứu trợ”, Credit Suisse trở thành nhà băng lớn đầu tiên được nhà quản lý can thiệp kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Dưới đây là toàn cảnh vụ việc Credit Suisse lâm vào khủng hoảng và các bê bối trong thời gian gần đây khiến nhà đầu tư, cổ đông cạn kiệt niềm tin vào nhà băng 158 năm tuổi này.

Tại sao Credit Suisse đang lâm vào khủng hoảng?

Giá cổ phiếu Credit Suisse lao dốc đột ngột ngày thứ Tư (15/3) sau khi cổ đông lớn nhất của nhà băng này là Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê út cho biết họ không thể bơm thêm tiền mặt cho Credit Suise, bởi sẽ chạm tới mức trần sở hữu tối đa 10%.

Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê út trở thành cổ đông lớn nhất của Credit Suisse sau khi bơm tiền giải cứu nhà băng này vào tháng 11/2022.

Thông tin này ngay lập tức gây chấn động các thị trường tài chính, khiến cổ phiếu của các nhà băng khác như Deutsche Bank, UBS và các ngân hàng châu Âu đồng loạt cắm đầu lao dốc. CEO Credit Suisse Ulrich Koerner cũng đối diện nhiều câu hỏi liên quan tới kế hoạch cắt giảm chi phí, ngăn chặn đà thua lỗ và vực dậy hoạt động của ngân hàng này.

Tuy nhiên, việc Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê út không bơm thêm tiền chỉ là “giọt nước tràn ly”. Nhà đầu tư, cổ đông của Credit Suisse đã cạn dần niềm tin vào nhà băng này từ trước khi diễn ra các biến cố của ngành ngân hàng gần đây, mà mới nhất là sự kiện Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ.

Harris Associates – cổ đông lớn nhất của Credit Suisse tính cho tới cuối năm 2022 đã hạ tỷ lệ nắm giữ tại nhà băng này trong vài tháng qua. Harris Associates nắm giữ 10% cổ phần của nhà băng Thuỵ Sỹ này tính tới tháng 8/2022, sau đó hạ tỷ trọng xuống 5% vào tháng 1/2023 và hiện đã bán toàn bộ cổ phần, không còn hiện diện tại Credit Suisse.

“Có vấn đề về tương lai của hệ thống này. Đang có dòng tiền lớn rút ra khỏi lĩnh vực quản lý tài sản của Credit Suisse”, ông David Herro, Phó chủ tịch và giám đốc đầu tư Harris Associates cho biết vào ngày 5/3.

Báo cáo thường niên mới được công bố cũng cho thấy những vấn đề khác của nhà băng này. Theo đó, Credit Suisse phát hiện những điểm yếu trong kiểm soát nội bộ. Đồng thời, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ yêu cầu Credit Suisse phải kiểm tra lại số liệu về dòng tiền, khiến Ngân hàng phải lùi lại thời gian công bố báo cáo.

Credit Suisse báo lỗ 8 tỷ USD trong năm 2022, khi doanh thu chỉ còn hơn 1/3 so với năm trước đó. Chưa kể, dòng vốn rút ra ngày càng mạnh trong những tháng vừa qua, khiến Công ty phải sử dụng đến các tài sản “bệ đỡ” như trái phiếu chính phủ và các tài sản dự trữ.

Rủi ro vỡ nợ của Credit Suisse gia tăng

Một trong những vấn đề thu hút sự chú ý của các thành viên thị trường là rủi ro vỡ nợ của Credit Suisse gia tăng. Cụ thể, giao dịch CDS (Credit Default Swap) của Credit Suisse ở mức cao hơn vài lần so với CDS của các ngân hàng khác vào ngày thứ Tư (15/3).

CDS là công cụ hợp đồng phái sinh về tín dụng giữa hai đối tác, được xem như một công vụ phòng vệ rủi ro tài chính, giống như các loại hợp đồng bảo hiểm. Bên mua trả phí bảo vệ rủi ro để được bồi thường một khoản tiền cố định nếu sự cố thực sự xảy ra. Chính vì vậy, việc CDS của Credit Suisse tăng mạnh làm dấy lên nghi ngờ liệu Công ty có phá sản?

Diễn biến tương tự từng diễn ra vào tháng 10/2022. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại có phần nhạy cảm hơn nhiều. Nhà đầu tư có lý do để lo lắng khi Credit Suisse đang gặp nhiều khó khăn, giá CDS tăng lên, sự kiện hàng loạt nhà băng tại Mỹ đổ vỡ…

Diễn biến giá cổ phiếu Credit Suisse và loạt scandal

Chuỗi scandal kéo dài

Những năm gần đây, Credit Suisse thu hút sự chú ý không nhờ hiệu quả kinh doanh mà bởi loạt scandal liên tiếp.

Thứ nhất, Credit Suisse thuê thám tử tư theo dõi các cựu giám đốc, dẫn đến việc CEO khi đó phải từ chức và nghỉ việc vào tháng 2/2020.

Cụ thể, tháng 9/2019, cựu Giám đốc phụ trách quản lý tài sản của Credit Suisse là Iqbal Khan tố cáo một thám tử tư đã theo dõi ông và vợ trong hành trình tại Zurich (Đức). Cơ quan Giám sát tài chính Thuỵ Sỹ (FINMA) đã tiến hành điều tra mở rộng sau khi Credit Suisse thừa nhận đã thuê thám tử giám sát Iqbal Khan để xác định những người anh ta gặp vì sợ Khan dụ dỗ nhân viên giỏi của Credit Suisse đến UBS, đồng thời cũng theo dõi cựu Giám đốc nhân sự Peter Goerke.

Thứ hai, Credit Suisse mất gần 6 tỷ USD vào tháng 3/2021 sau khi Archeges Capital Management phá sản.

Thứ ba, việc Greensill Capital – một công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Anh và Úc phá sản cũng đẩy Credit Suisse phải đóng băng hàng loạt quỹ đầu tư, đồng thời phải theo đuổi vụ kiện có thể mất thời gian tới 5 năm. Credit Suisse sở hữu hàng loạt quỹ trị giá 10 tỷ USD để mua các khoản vay thế chấp chứng khoán từ Greensill, chưa kể các khoản cho vay trị giá 140 triệu USD.

Thứ tư, tháng 10/2021, Credit Suisse bị giới chức Mỹ và Anh phạt 475 triệu USD sau khi vướng vào vụ bê bối hối lộ ở Mozambique liên quan đến các khoản vay của các công ty nhà nước. Các khoản tín dụng được cấp trong giai đoạn 2013 – 2016 được cho là để tài trợ cho các dự án giám sát hàng hải, đánh bắt cá và đóng tàu, nhưng một phần đã bị chuyển hướng để hối lộ.

Tiếp đó, cuộc điều tra của giới truyền thông vào tháng 2/2022 với bí danh “Suisse Secrets” (Những bí mật của Suisse) cáo buộc ngân hàng này giữ hàng tỷ USD tiền bẩn trong nhiều thập kỷ. Cuộc điều tra có sự phối hợp với Dự án Báo cáo Tội phạm có tổ chức và tham nhũng cho biết, thông tin bị rò rỉ về hơn 18.000 tài khoản ngân hàng được lập ra từ những năm 1940 nhận thấy Credit Suisse giữ hơn 8 tỷ USD trong các tài khoản ngân hàng của những tội phạm, quan chức tham nhũng…

Credit Suisse bác bỏ kết quả điều tra này, nhấn mạnh kết quả này “dựa trên những thông tin chọn lọc, không chính xác hoặc chưa đầy đủ bị lấy ra khỏi bối cảnh”.

Thứ năm, Chủ tịch Antonio Horta-Osorio của Credit Suisse bị buộc từ chức vào tháng 1/2022 sau khi một cuộc điều tra nội bộ cho thấy vị Chủ tịch đã vi phạm quy định phong toả phòng Covid-19 để đi xem giải đấu quần vợt Wimbledon. Ít lâu sau, vào tháng 7/2022, CEO của Credit Suisse từ chức vì lý do cá nhân và sức khỏe.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*