Truyền thông Mỹ và Anh ngày 18/2 đưa tin Hội Khí cầu Bottlecap ở Bắc Illinois (NIBBB) thông báo câu lạc bộ mất dấu khí cầu Pico một tuần trước đó. Vị trí cuối cùng khí cầu Pico phát tín hiệu về vào rạng sáng 11/2 nằm gần hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển phía tây Alaska.
Cùng ngày NIBBB mất dấu khí cầu Pico, tiêm kích F-22 Mỹ hạ một vật thể bay chưa xác định trên vùng lãnh thổ Yukon của Canada, giáp với bang Alaska. Nhóm NIBBB không liên hệ hai sự kiện với nhau. Giới chức Mỹ chưa bình luận về thông tin trên.
Khí cầu Pico mang theo máy truyền phát tín hiệu cỡ nhỏ, trị giá khoảng 12 USD và có thể bay tới độ cao khoảng 14.300 m. Khí cầu Pico đã bay trên bầu trời trong hơn 4 tháng trước khi NIBBB mất dấu.
Quân đội Mỹ ngày 10-12/2 liên tiếp bắn hạ ba vật thể bay không xác định. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/2 nói ba vật thể bay bị bắn hạ có thể là khí cầu liên quan tới các công ty tư nhân, hội nhóm giải trí hoặc nghiên cứu.
Các vật thể bay đang là chủ đề được quan tâm sau vụ khí cầu Trung Quốc hoạt động trên không phận Mỹ suốt 7 ngày và bị bắn hạ hôm 4/2. Mỹ nói rằng đây là thiết bị do thám, trong khi Trung Quốc bác bỏ, khẳng định khí cầu bị bắn hạ là thiết bị nghiên cứu thời tiết của họ đã đi lạc. Bắc Kinh cho rằng Washington đã “phản ứng thái quá” trong sự việc.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần này cảnh báo rằng Trung Quốc và Nga đang tăng cường các hoạt động tình báo và giám sát, trong đó có phương pháp sử dụng khí cầu.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu NATO ngừng “cáo buộc vô căn cứ và ngừng tạo ra những kẻ thù giả tưởng”. Nga cũng lên tiếng về sự việc, cho rằng các quan chức phương Tây nên tập trung tìm hiểu đầy đủ sự việc thay vì đưa ra những cáo buộc.
Ngọc Ánh (Theo Guardian, CNN)
Để lại một phản hồi