Mỹ có thể chuyển cho Ukraine hơn 5.000 súng AK tịch thu trên biển

Các quan chức Mỹ và châu Âu giấu tên hôm 14/2 tiết lộ số vũ khí mà quân đội Mỹ muốn gửi cho Ukraine gồm hơn 5.000 súng AK, một số tên lửa chống tăng, 7.000 ngòi nổ cận đích cho pháo 122 mm và 1,6 triệu viên đạn súng bộ binh. Đây đều là những vũ khí bị Mỹ tịch thu tại Trung Đông, với cáo buộc Iran chuyển chúng cho phiến quân Houthi ở Yemen.

Thách thức lớn nhất với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden là tìm ra lý do pháp lý cho phép vận chuyển vũ khí giữa các vùng xung đột quân sự khác nhau. Lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc áp đặt lên Yemen từ năm 2014 yêu cầu Mỹ và đồng minh phá hủy hoặc cất trữ vũ khí tịch thu, không chuyển giao chúng cho bên thứ ba.

Lô súng trường bị tàu chiến Mỹ tịch thu trên vịnh Oman hồi đầu tháng 1. Ảnh: US Navy.

Lô súng trường bị tàu chiến Mỹ tịch thu trên vịnh Oman hồi đầu tháng 1. Ảnh: US Navy.

Quan chức Mỹ giấu tên nói rằng cố vấn pháp lý của chính quyền Biden đang đánh giá những lệnh cấm vận có để ngỏ khả năng chuyển số vũ khí bị tịch thu cho Ukraine hay không, thêm rằng phương án này được tính đến từ cuối năm 2022, khi hải quân Mỹ chặn bắt được nhiều lô khí tài quân sự trên đường đến Yemen.

Thông tin được đưa ra sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 13/2 thừa nhận chiến sự tại Ukraine đang tiêu tốn lượng lớn đạn dược và làm cạn kiệt kho dự trữ của khối. “Tốc độ tiêu thụ đạn hiện tại của Ukraine cao gấp nhiều lần năng suất hiện tại của chúng tôi. Điều này đặt ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi vào tình trạng căng thẳng”, ông nói.

Ông Stoltenberg nói rằng NATO đang đối mặt nhiều vấn đề khi thời gian chờ nhận hàng đối với đạn cho vũ khí cỡ nòng lớn tăng từ 12 lên 28 tháng.

Các nước thành viên NATO viện trợ hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine từ khi chiến sự bắt đầu tháng 2/2022, trong đó Mỹ dẫn dầu với tổng hỗ trợ hơn 29,3 tỷ USD. Giới chuyên gia phương Tây đánh giá chiến sự Nga – Ukraine đã bước vào giai đoạn tiêu hao, khiến các thành viên NATO chật vật để có đủ vũ khí nhằm củng cố năng lực quốc phòng của họ lẫn hỗ trợ Kiev.

Iran từ lâu bị cáo buộc chuyển súng trường, súng chống tăng, tên lửa và các loại vũ khí khác cho phiến quân Houthi tại Yemen bằng đường biển, nhưng Tehran bác bỏ.

Với sự hậu thuẫn của Iran, lực lượng Houthi đã tự sản xuất được hàng loạt máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo đủ sức tấn công mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Arab Saudi, bất chấp nhiều năm đối phó với những chiến dịch quân sự của liên quân do Riyadh dẫn đầu.

Vũ Anh (Theo Wall Street Journal)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*