Nỗi lo cạn vũ khí của NATO khi xung đột Ukraine tăng nhiệt

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine cuối tháng 2 năm ngoái, các thành viên NATO liên tục cam kết hỗ trợ Kiev từ pháo tự hành, thiết giáp cho đến xe tăng chiến đấu chủ lực.

Các thành viên NATO không công bố lượng vũ khí trong kho dự trữ của mình nhằm đảm bảo bí mật quân sự. Tuy nhiên, khi xung đột Ukraine tăng nhiệt với đợt tấn công mới của Nga, các nước ngày càng cho thấy nỗi lo về nguy cơ kho dự trữ này cạn kiệt.

“Điều này rất quan trọng đối với an ninh quốc gia và cả châu Âu. Bạn không muốn phơi bày điểm yếu trước bất kỳ đối thủ tiềm năng nào. Song họ cũng cần hiểu rằng chuyển giao vũ khí cho Ukraine là vấn đề đòi hỏi hành động khẩn cấp”, Richard Shirreff, tướng quân đội Anh về hưu và cựu phó chỉ huy lực lượng NATO tại châu Âu, cho biết.

Lính Ukraine nạp đạn cho lựu pháo M777 trên chiến trường miền đông Ukraine hồi tháng 11/2022. Ảnh: AFP.

Lính Ukraine nạp đạn cho lựu pháo M777 trên chiến trường miền đông Ukraine hồi tháng 11/2022. Ảnh: AFP.

Nhiều nguồn tin quốc phòng và an ninh châu Âu cho biết có những lo ngại nghiêm trọng về việc châu Âu đã đổ bao nhiêu vũ khí, đạn dược vào chiến trường Ukraine mà chưa thể bù đắp cho kho dự trữ. Một quan chức cấp cao nói rằng “đó là điều mà tất cả chúng tôi đều biết, nhưng không biết phải xử lý thế nào”.

Ngay cả Mỹ, nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới và nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, cũng gặp nhiều khó khăn để đáp ứng nhu cầu từ Kiev. Một số quan chức quốc phòng Mỹ cuối năm ngoái lo ngại nước này sắp cạn kiệt một số hệ thống vũ khí công nghệ cao và những quả đạn đắt tiền để chuyển cho Ukraine.

Đô đốc Daryl Caudle, tư lệnh Lực lượng Hạm hội Mỹ, tháng trước kêu gọi các tập đoàn công nghiệp quốc phòng nước này đẩy mạnh sản xuất.

“Điều đó rất quan trọng để giành chiến thắng. Tôi không thể làm gì nếu không có vũ khí”, Caudle nói, thêm rằng Mỹ đang “đối đầu với đối thủ chưa từng thấy”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 13/2 nói rằng “tốc độ tiêu thụ đạn của Ukraine hiện cao hơn nhiều tốc độ sản xuất của chúng tôi, gây căng thẳng cho ngành công nghiệp quốc phòng”.

“Thời gian chờ sản xuất đạn cỡ nòng lớn đã tăng từ 12 lên 28 tháng. Do đó, đơn đặt hàng hôm nay sẽ chỉ có thể giao sau hai năm rưỡi. Chúng tôi cần tăng cường sản xuất và đầu tư vào năng lực sản xuất của mình”, ông nói.

Stoltenberg cho biết NATO đã hoàn thành khảo sát về kho vũ khí của liên minh và lên kế hoạch tăng dự trữ. Ông lưu ý các thành viên NATO đã đạt một số tiến bộ, như Pháp và Mỹ ký hợp đồng mới với các công ty quốc phòng. Đức ngày 14/2 thông báo đồng ý thỏa thuận mới với nhà sản xuất đạn pháo phòng không.

Trong nhiều thập kỷ qua, các nước châu Âu đều chủ trương cắt giảm ngân sách quốc phòng và kho dự trữ vũ khí, với niềm tin rằng sẽ khó có cuộc chiến tranh trên bộ nào có thể hút cạn đạn dược như những gì từng thấy trong hai cuộc chiến tranh thế giới.

Trevor Taylor, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) ở London, cho biết những quyết định đó có nguồn gốc từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

“Lập trường của NATO trong Chiến tranh Lạnh là các thành viên nên có lực lượng thường trực và nguồn lực dự trữ đủ để bảo vệ lãnh thổ trong ít nhất ba tuần nếu đối phương tấn công”, ông nói. Nhưng sau khi Liên Xô tan rã, nhu cầu dự trữ vũ khí này đã giảm đi ở châu Âu.

Lúc đó, nỗi lo về nguy cơ chiến tranh trên bộ ở Tây Âu cũng dần nhường chỗ cho những ưu tiên phát triển khác của các nước.

“Việc không có mối đe dọa hiện hữu, cùng với đó là áp lực tài chính gia tăng trong vài thập kỷ đã khiến các nước châu Âu không còn chú trọng tới kho dự trữ quốc phòng”, Nick Witney, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nói.

Xe tăng Ukraine khai hỏa gần thành phố Soledar, tỉnh Donetsk tháng 6/2022. Ảnh: AFP.

Xe tăng Ukraine khai hỏa gần thành phố Soledar, tỉnh Donetsk tháng 6/2022. Ảnh: AFP.

Giới quan sát cho rằng chính sách này của châu Âu là lý do kho dự trữ vũ khí, đạn dược của họ ở mức rất thấp khi xung đột Ukraine nổ ra. Việc cắt giảm vũ khí được tiến hành nhanh chóng và dễ dàng, song bổ sung chúng lại không phải điều đơn giản.

“Có những hạn chế ngăn ngành công nghiệp quốc phòng tăng sản lượng nhanh chóng. Việc tăng đáng kể dây chuyền sản xuất sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian”, Tom Waldwyn, nhà nghiên cứu về mua sắm quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Anh, nói.

“Không tập đoàn quốc phòng tư nhân nào có thể giải thích với cổ đông về lý do duy trì lượng nhân viên và dây chuyền sản xuất lớn khi không có khách hàng. Do đó, họ rất khó đáp ứng nhu cầu tăng vọt trong ngắn và trung hạn”, Waldwyn nói thêm.

Một nguồn tin quốc phòng cấp cao của châu Âu cũng nhấn mạnh rằng quá trình chuyển giao vũ khí giờ đây có thể mất nhiều năm, thay vì vài tháng như trước. “Vấn đề về chuỗi cung ứng, nhu cầu tăng vọt, hay chủ nghĩa bảo hộ từ các công ty ở những nước khác khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn”, nguồn tin cho hay.

Các quan chức quốc phòng châu Âu cho rằng tình hình này sẽ không thể sớm cải thiện. Không ai muốn công khai nói rằng hỗ trợ Ukraine đang gây ra thách thức lớn cho họ, nhưng cuộc khủng hoảng thiếu hụt vũ khí, đạn dược đang dần xuất hiện và sẽ cần cách can thiệp đúng đắn, theo bình luận viên Luke McGee của CNN.

“Tất cả thành viên NATO phải có cái nhìn chiến lược nghiêm túc về vấn đề này. Chúng ta đang trong giai đoạn cần kêu gọi các nhà sản xuất xe đạp chuyển sang chế tạo đạn dược. Cách duy nhất đưa chúng ta trở lại đúng hướng là chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, có nghĩa là học lại bài học từ Chiến tranh Lạnh để tránh một cuộc chiến tranh quy mô lớn khác”, tướng về hưu Shirreff nói.

Thanh Tâm (Theo CNN)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*