So sánh GDP của Bắc Kinh, Tokyo và Seoul năm 2022
Nguồn: Baidu
Theo số liệu do trang Baidu cung cấp, có thể thấy rằng GDP của Bắc Kinh là cao nhất trong ba thành phố, và cũng có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Tokyo có GDP lớn thứ hai nhưng tốc độ tăng trưởng thấp nhất. GDP của Seoul đứng thứ ba và tốc độ tăng trưởng ở mức trung bình.
Theo trang Baidu, Bắc Kinh là thủ đô của Trung Quốc, có lợi thế về chính trị, văn hóa, công nghệ, giáo dục… nên thu hút một lượng lớn nhân tài, doanh nghiệp và vốn đầu tư. Bắc Kinh tập trung phát triển nền kinh tế chất lượng cao, chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng của ngành dịch vụ và kinh tế mới, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào các ngành đầu tư truyền thống như cơ sở hạ tầng và bất động sản. Những yếu tố này đang giúp GDP của Bắc Kinh tăng trưởng nhanh.
Còn Tokyo là thủ đô của Nhật Bản và là một trong những thành phố lớn nhất thế giới. Với quy mô dân số và thị trường khổng lồ, Tokyo là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, công nghệ và tài chính của Nhật Bản. Tokyo là thành phố tập trung nhiều công ty niêm yết đại chúng nhất trên thế giới với hơn 2.000 công ty đặt trụ sở chính tại đây; trong đó có nhiều doanh nghiệp nổi tiếng thế giới như Toyota, Sony, Hitachi, Mitsubishi…
Cơ cấu kinh tế của Tokyo tương đối đa dạng, bao gồm các ngành nghề sản xuất, dịch vụ, tài chính, thương mại, du lịch… đồng thời có khả năng chống lại rủi ro và đổi mới mạnh mẽ. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng GDP của Tokyo không cao và dự kiến sẽ bị Seoul và Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) vượt qua trong vài năm tới, chủ yếu là do Nhật Bản có dân số già, tỉ lệ sinh thấp và tốc độ số hóa chậm.
Cơ cấu kinh tế của Tokyo tương đối đa dạng, bao gồm các ngành nghề sản xuất, dịch vụ, tài chính, thương mại, du lịch… Ảnh: japanwondertravel.com
Điểm mạnh và điểm yếu về kinh tế của ba thành phố này là gì?
Theo trang Baidu, lợi thế kinh tế của Bắc Kinh nằm ở vị thế là trung tâm chính trị, văn hóa, công nghệ và giáo dục của Trung Quốc, với nhiều công ty đa quốc gia, tổ chức tài chính, tổ chức giáo dục và trung tâm nghiên cứu chất lượng cao, tổ chức văn hóa, đổi mới và sáng tạo với sản phẩm có ảnh hưởng toàn cầu. Những bất lợi về kinh tế của Bắc Kinh nằm ở vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tắc nghẽn giao thông, giá nhà đất cao, dân số quá đông và bất bình đẳng xã hội.
Thế mạnh kinh tế của Tokyo nằm ở vai trò là trung tâm của nền kinh tế, tài chính và các ngành công nghiệp sáng tạo của Nhật Bản, tập trung rất đông các công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán, cơ sở hạ tầng giao thông phát triển cao, các tổ chức giáo dục và nghiên cứu trình độ cao, cư dân giàu có và tốc độ đô thị hóa cao. Những bất lợi về kinh tế của Tokyo nằm ở dân số già, năng suất thấp, số hóa chậm, tăng trưởng kinh tế chậm chạp, cạnh tranh khu vực gay gắt và gánh chịu chi phí đăng cai Olympic 2020 cao.
Lợi thế kinh tế của Seoul nằm ở vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị của Hàn Quốc, khả năng cạnh tranh sản xuất mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, ô tô và đóng tàu, cũng như khả năng đổi mới và số hóa phát triển cao, có nhiều nhân tài và tài nguyên giáo dục chất lượng cao, cư dân giàu có và tốc độ đô thị hóa cao… Bất lợi về kinh tế của Seoul nằm ở dân số già, ô nhiễm môi trường, giá nhà ở cao, bất bình đẳng xã hội và phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và Nhật Bản.
Seoul có khả năng cạnh tranh sản xuất mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, ô tô và đóng tàu. Ảnh: hotels.com
Nền kinh tế của ba thành phố này giống và khác nhau như thế nào?
Điểm tương đồng: Các thành phố này đều là thành phố toàn cầu, có ngành công nghiệp tài chính, công nghệ và sáng tạo phát triển cao, đều có các tổ chức nghiên cứu và giáo dục trình độ cao, đều có cư dân đô thị hóa cao và giàu có, đều phải đối mặt với những thách thức như: tình trạng già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, giá nhà ở tăng cao, bất bình đẳng xã hội, cạnh tranh khu vực…
Điểm khác biệt: Nền kinh tế của ba thành phố này khác nhau về quy mô, cấu trúc, tốc độ tăng trưởng, đổi mới và sự phụ thuộc… Ví dụ, Tokyo có nền kinh tế lớn nhất, chiếm 33,1% GDP của Nhật Bản, trong khi Bắc Kinh có nền kinh tế nhỏ nhất, chiếm 3,9% GDP của Trung Quốc. Cơ cấu kinh tế của Bắc Kinh chủ yếu là công nghiệp cấp ba (dịch vụ), chiếm 81,2%; trong khi cơ cấu kinh tế của Seoul chủ yếu là công nghiệp cấp hai (chế tạo), chiếm 54,6%.
Kinh tế của ba thành phố này có ảnh hưởng gì tới nền kinh tế toàn cầu?
Theo trang Baidu, ảnh hưởng của kinh tế Bắc Kinh đối với kinh tế toàn cầu thể hiện ở vai trò là trung tâm chính trị và văn hóa của Trung Quốc, đồng thời là cầu nối giữa Trung Quốc và thế giới, thúc đẩy giao lưu và hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục, văn hóa… giữa Trung Quốc với thế giới. Kinh tế Bắc Kinh cũng chịu ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu; chẳng hạn, do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và đại dịch COVID-19, kim ngạch ngoại thương năm 2020 của Bắc Kinh đã giảm 3,6%.
Do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và đại dịch COVID-19, kim ngạch ngoại thương năm 2020 của Bắc Kinh đã giảm 3,6%. Ảnh: flickr
Ảnh hưởng của kinh tế Tokyo đối với nền kinh tế toàn cầu thể hiện ở vai trò là trung tâm kinh tế tài chính của Nhật Bản và là một trong những thị trường tài chính lớn nhất châu Á, đóng vai trò quan trọng trong ổn định tài chính và chính sách tiền tệ toàn cầu, đồng thời là đầu tàu của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, ảnh hưởng đến xu hướng thời trang và phương thức tiêu dùng toàn cầu. Kinh tế Tokyo cũng chịu ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu; chẳng hạn, do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tăng trưởng kinh tế năm 2009 của Tokyo đã giảm 5,4%; và đại dịch COVID-19 đã làm tăng trưởng kinh tế năm 2020 của thành phố này giảm 5,6%.
Ảnh hưởng của kinh tế Seoul đối với nền kinh tế toàn cầu nằm ở vai trò là trung tâm kinh tế và công nghệ của Hàn Quốc, đồng thời là một trong những nhà xuất khẩu sản xuất lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp toàn cầu, đồng thời cũng là nhà tiên phong trong quá trình số hóa và đổi mới, ảnh hưởng đến sự phát triển công nghệ và năng lực cạnh tranh toàn cầu. Nhưng kinh tế Seoul cũng chịu ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu; chẳng hạn, do căng thẳng giữa Hàn Quốc và Trung Quốc về hệ thống vũ khí chống tên lửa THAAD, kim ngạch ngoại thương năm 2017 của Seoul đã giảm 1,1%, và đại dịch COVID-19 cũng làm kim ngạch ngoại thương năm 2020 của thành phố này giảm 5,4%.
So sánh thu nhập bình quân đầu người của ba thành phố năm 2022
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người của Tokyo là cao nhất với 48.000 USD, điều này phản ánh sức mạnh kinh tế của Nhật Bản và mức độ phát triển của Tokyo. Đồng thời, Tokyo cũng là một trong những thành phố giàu có nhất thế giới, với mức tiêu dùng, đầu tư, đổi mới và các năng lực khác cao nên người dân Tokyo có mức thu nhập cao.
Thu nhập bình quân đầu người của Seoul đứng thứ hai. Theo Ngân hàng Hàn Quốc, thu nhập bình quân đầu người của của thành phố này ở mức 35.000 USD, phản ánh sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc và khả năng cạnh tranh của Seoul, trung tâm kinh tế và thành phố quốc tế của Hàn Quốc, nơi có nhiều tập đoàn đa quốc gia, tổ chức tài chính, cơ quan truyền thông, ngành công nghiệp văn hóa phát triển… Seoul cũng là một trong những thành phố năng động nhất trên thế giới, với trình độ giáo dục, công nghệ và khởi nghiệp cao. Vì vậy, người dân Seoul có mức thu nhập tương đối cao.
Thu nhập bình quân đầu người của Bắc Kinh là thấp nhất trong ba thành phố. Theo số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc, thu nhập bình quân đầu người của Bắc Kinh ở mức 10.000 USD, điều này phản ánh sự phát triển không cân đối của Trung Quốc và không gian tiềm năng của Bắc Kinh. Thành phố này là trung tâm chính trị văn hóa, thành phố lịch sử văn minh của Trung Quốc, tập trung đông đảo các cơ quan nhà nước, trường cao đẳng và đại học, tổ chức văn hóa, vườn ươm khoa học công nghệ… Đồng thời, Bắc Kinh cũng là một trong những thành phố có ảnh hưởng nhất trên thế giới về chính trị, ngoại giao, văn hóa, đổi mới… Vì vậy, cư dân Bắc Kinh tuy chỉ hưởng mức thu nhập tương đối thấp, nhưng cũng có nhiều cơ hội phát triển hơn so với Tokyo và Seoul.
Sự phát triển kinh tế của Bắc Kinh, Seoul và Tokyo có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng đến cơ cấu kinh tế và sức cạnh tranh của châu Á và thế giới. Ảnh: AFP
Trang Baidu kết luận, cả Bắc Kinh, Seoul và Tokyo đều là những trung tâm kinh tế, thành phố quốc tế quan trọng của châu Á; trình độ và sự phát triển kinh tế của các thành phố này có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng đến cơ cấu kinh tế và sức cạnh tranh của châu Á và thế giới. Sự phát triển kinh tế của Bắc Kinh, Seoul và Tokyo trong tương lai sẽ phụ thuộc vào sự nỗ lực và đổi mới của chính mỗi thành phố, cũng như vào môi trường và cơ hội bên ngoài.
Để lại một phản hồi