Kết quả thăm dò mới nhất được YouGov, công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường dựa trên Internet quốc tế có trụ sở Anh, công bố tuần trước cho thấy 32% người Anh được hỏi cho rằng rời EU là quyết định đúng đắn, 14% không đưa ra đánh giá, số còn lại cho rằng đây là động thái sai lầm.
Khảo sát này cho thấy ngày càng nhiều người Anh bày tỏ hối tiếc vì quyết định rời EU (Brexit). Cuộc thăm dò hồi tháng 1 của Ipos, công ty tư vấn, nghiên cứu thị trường đa quốc gia tại Pháp, chỉ ra 45% dân số Anh nói Brexit khiến cuộc sống hàng ngày tồi tệ hơn, so với 11% nói cuộc sống được cải thiện.
Một cuộc thăm dò khác của Focaldata và UnHerd hồi cuối năm ngoái cho thấy 54% trong số 10.000 người Anh được hỏi trên toàn quốc “hoàn toàn đồng ý” hoặc “đồng ý” rằng Anh đã sai khi rời EU.
Các khảo sát được thực hiện trong bối cảnh Anh nhiều khả năng trở thành nền kinh tế hoạt động kém nhất trong nhóm G20 trong hai năm tới, khi nước này hứng chịu khủng hoảng chi phí sinh hoạt và nhiều biến động chính trị.
Anand Menon, giáo sư chính trị châu Âu và các vấn đề đối ngoại tại Đại học King’s College, cho rằng đã có hai thay đổi chính trong thái độ của người Anh đối với Brexit.
“Thứ nhất, ngày càng nhiều người, ngay cả những người trước đây ủng hộ Brexit, hiện cho rằng chính phủ Anh xử lý vấn đề này không tốt. Họ coi đây là một thất bại của chính phủ. Thứ hai, nhiều người nhận thấy Brexit tác động tiêu cực đến kinh tế”, giáo sư Menon nhận định.
Khảo sát mới nhất của YouGov cũng cho thấy 68% người được hỏi cho rằng chính phủ Anh xử lý Brexit một cách “tồi tệ”, so với 21% nói đảng Bảo thủ cầm quyền “đang làm tốt”.
Anh tổ chức trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU hồi tháng 6/2016, với kết quả 52% người Anh ủng hộ Brexit, trong khi 48% số người muốn ở lại liên minh.
Giáo sư Menon lưu ý rằng Brexit đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Anh từ đầu năm 2020, sau khi London rời EU, nhưng tác động này bị lu mờ bởi đại dịch Covid-19.
Những khó khăn mà các ngành công nghiệp trồng trọt, đánh bắt thủy hải sản cho đến sản xuất ôtô, dược phẩm của Anh phải đối mặt đã cho thấy hậu quả trực tiếp của Brexit trong vài năm qua.
Ông Menon cho rằng nhiều vấn đề kinh tế hiện tại của Anh không phải do Brexit gây ra, nhưng đang thể hiện các tác động bất lợi của nó. “Chắc chắn Brexit là một phần lý do khiến kinh tế Anh tồi tệ, đặc biệt khi so sánh với các nền kinh tế khác trong G7”.
Đức Trung (Theo CNBC)
Để lại một phản hồi