Đến cà chua, rau xanh cũng thành “xa xỉ phẩm”, hơn 50% số người Anh được hỏi cảm thấy Brexit đã sai

Theo kết quả thăm dò mới nhất mà YouGov công bố hồi tuần trước, 53% số người được hỏi cho rằng Vương quốc Anh đã sai lầm khi chọn ra đi. Chỉ còn 32% số người tham gia khảo sát vẫn tin đó là quyết định đúng đắn.

Trong khi đó, một cuộc thăm dò mà Ipsos tiến hành hồi tháng Giêng cho thấy 45% số người được hỏi cho rằng Brexit khiến cuộc sống hàng ngày của họ trở nên tồi tệ hơn. Chỉ 11% số người tham gia khảo sát tin rằng Brexit đã giúp cuộc sống của họ được cải thiện.

Một cuộc thăm dò khác do Focaldata và UnHerd thực hiện với 10.000 người tham gia hồi cuối năm ngoái cho thấy 54% “hoàn toàn đồng ý” hoặc “đồng ý một phần” với tuyên bố cho rằng Anh đã sai khi rời EU. Số người phản đối là 28%.

Vương quốc Anh được dự báo là nền kinh tế kém hiệu quả nhất của G-20 trong 2 năm tới. Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và bất ổn chính trị đang khiến Đảng Bảo thủ cầm quyền phải đau đầu. Các cuộc thăm dò cho thấy đảng của Thủ tướng Rishi Sunak đang kém 20 điểm so với Đảng Lao động đối lập trong cuộc quyền lực năm 2024.

Giáo sư chính trị châu Âu Anand Menon đã nêu ra 2 thay đổi chính trong thái độ của người dân Anh với Brexit. Đầu tiên, ngày càng có nhiều người nghĩ rằng Chính phủ đã xử lý Brexit không tốt. Thứ 2 là các cử tri đang quan sát xem Brexit có tác động tiêu cực tới nền kinh tế Anh hay không.

Điều này cũng đã được chứng minh trong cuộc khảo sát của YouGov. 68% những người tham ra nghĩ rằng chính phủ đã không xử lý tốt Brexit, cao hơn rất nhiều so với 21% số người tin vào điều ngược lại.

Trước cuộc Tổng tuyển cử năm 2019, có khoảng 4% những người đã bỏ phiếu cho Brexit cảm thấy hối tiếc. Hiện nay, con số này là 7%.

Theo các chuyên gia, Brexit đã ngay lập tức tác động đến nền kinh tế Anh ngay từ đầu năm 2020, khi “cuộc chia tay” trở thành hiện thực. Tuy nhiên, những tác động của nó đã bị che mờ bởi sự bùng phát đại dịch Covid-19. Mọi ngành, từ trồng trọt, đánh bắt hải sản đến sản xuất ô tô hay dược phẩm đều phải trải qua khó khăn do Brexit trong vài năm qua.

“Brexit là một phần lý do dẫn đến những số liệu kinh tế khá tồi tệ mà chúng ta thấy ở Vương quốc Anh, đặc biệt là khi so sánh với các nền kinh tế G-7 khác”, Giáo sư Menon nhận định.

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cũng cho thấy Brexit hiện không còn là vấn đề khiến các cử tri Anh bận lòng. Thay vào đó, họ quan tâm tới Dịch vụ Y tế của đất nước. Vấn đề kinh tế và lạm phát cũng đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ. Nó trái ngược với những gì diễn ra trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019, khi 72% số cử tri quan tâm đến việc rời EU. Tuy nhiên, đến tháng 10/2022, tỷ lệ này giảm xuống còn 6%.

Trong khi đó, các vấn đề như tình trạng thiếu rau xanh và cà chua gần đây ở Anh cũng như giá lương thực tăng cao đang khiến người dân Anh đau đầu. Các nhà phê bình chính trị cho rằng Brexit là một phần nguyên nhân dẫn tới thực trạng này.

Tham khảo: CNBC

Không chỉ các “ông lớn” mà nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng đang lần lượt rời khỏi TTCK London: Vì đâu nên nỗi?

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*