Trong dự thảo ngân sách năm tài khóa 2024 công bố tuần trước, Lầu Năm Góc đề xuất quốc hội Mỹ cho phép đặt mua vũ khí theo gói nhiều năm, thay vì từng năm như trước đây. Đề xuất cho thấy Lầu Năm Góc đang tìm cách thay đổi chính sách mua sắm vũ khí, đạn dược để quân đội Mỹ có thể sẵn sàng cho một cuộc xung đột quy mô lớn, dựa trên những gì đã diễn ra trên chiến trường Ukraine.
Sau khi chiến sự Nga – Ukraine bùng phát tháng 2/2022, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ bộc lộ lỗ hổng khi các tập đoàn nước này chật vật đáp ứng nhu cầu tăng vọt về tên lửa và đạn dược để cung cấp cho Kiev. Mật độ khai hỏa của các bên trong chiến sự được đánh giá là “chưa từng thấy” kể từ sau Thế chiến II, khiến kho dự trữ đạn của Mỹ và các đồng minh rơi vào tình trạng khủng hoảng.
Một trong những lý do của tình trạng này là các công ty quốc phòng Mỹ đã đóng cửa hoặc hạn chế nhiều dây chuyền sản xuất vũ khí do chỉ nhận được đơn đặt hàng nhỏ giọt và không ổn định theo từng năm của Lầu Năm Góc.
Nhiều quan chức quốc phòng Mỹ kỳ vọng hình thức đặt hàng mới với số lượng lớn của Lầu Năm Góc sẽ là đòn bẩy thúc đẩy các tập đoàn vũ khí tăng năng suất.
Lầu Năm Góc từng sử dụng hợp đồng ký theo gói nhiều năm cho các chương trình chế tạo máy bay quân sự và tàu hải quân, khẳng định chúng giúp tiết kiệm tiền và đảm bảo dòng sản xuất ổn định.
Khi Lầu Năm Góc áp dụng hợp đồng nhiều năm cho đạn dược, các công ty quốc phòng Mỹ sẽ ước tính được số lượng đạn cần sản xuất và đàm phán đơn hàng lớn với bên cung cấp.
Trong đề xuất ngân sách năm tài khóa 2024, Lầu Năm Góc yêu cầu chi 30,6 tỷ USD cho đạn pháo, tên lửa chiến thuật và chiến lược, cũng như phát triển công nghệ, tăng 5,8 tỷ USD so với năm tài khóa 2023.
Họ yêu cầu quốc hội Mỹ tài trợ cho hoạt động mua sắm trong nhiều năm, tối đa hóa sản xuất tên lửa tiên tiến phóng từ máy bay và chiến hạm, có thể sử dụng trong kịch bản Mỹ nổ ra xung đột trực tiếp với một đối thủ ngang tầm.
Một quan chức quốc phòng Mỹ thừa nhận chiến sự Ukraine là nguồn cơn để Lầu Năm Góc đưa ra thay đổi này, đồng thời xác định đây là bước chuẩn bị cần thiết cho một cuộc “xung đột tiên tiến hơn”
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks giải thích Lầu Năm Góc đang tìm cách áp dụng phương án mua sắm linh hoạt trong nhiều năm “để chốt các khoản đầu tư quan trọng”.
Thứ trưởng Hicks cho biết điều này giúp “thu được nhiều lợi ích nhất từ ngân sách, phát tín hiệu rõ ràng và ổn định về nhu cầu vũ khí, giúp chuẩn bị tốt hơn để nhanh chóng ứng phó với các tình huống bất ngờ trong tương lai”.
Lầu Năm Góc cũng đang tìm cách áp dụng phương thức mua sắm tương tự đối với một số tổ hợp vũ khí mà Mỹ viện trợ cho Ukraine, trong đó có tên lửa phòng không Patriot, Hệ thống Rocket Phóng loạt Dẫn đường (GMLRS) và đạn pháo 155 mm.
“Những gì chúng tôi đang tìm kiếm là tăng năng suất bằng cách báo hiệu cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ rằng đây không phải cú hích nhỏ và ngắn hạn vì chiến sự Ukraine”, quan chức quốc phòng Mỹ cho biết. “Lãnh đạo các công ty quốc phòng luôn muốn biết kế hoạch 5 năm tới là gì và hợp đồng mua sắm vũ khí sẽ ra sao”.
Quan chức này nhận định đề xuất ngân sách năm tài khóa 2024 là bước đi đúng đắn đầu tiên để thúc đẩy nỗ lực tăng năng suất chế tạo đạn vào năm tới. Tuy nhiên, người này thừa nhận vấn đề về năng lực sản xuất vũ khí “không thể giải quyết trong một sớm một chiều”.
Ngoài đạn dược, đề xuất ngân sách của Lầu Năm Góc còn có 37,7 tỷ USD cho chương trình hiện đại hóa bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược, cùng 145 tỷ USD mua sắm và 170 tỷ USD cho nghiên cứu, phát triển công nghệ và kỹ thuật.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/3 công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 350 triệu USD cho Ukraine, trong đó có đạn rocket cho pháo phản lực HIMARS, đạn pháo cho xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley, tên lửa chống radar AMG-88 HARM, vũ khí chống tăng và các thiết bị khác.
Do các công ty quốc phòng chưa kịp tăng năng suất để đáp ứng nhu cầu, quân đội Mỹ phải rút trực tiếp số vật tư đó từ kho vũ khí để có thể nhanh chóng chuyển tới Ukraine. Kể từ khi chiến sự bùng phát, tổng viện trợ vũ khí Mỹ dành cho Ukraine là hơn 32 tỷ USD, chưa tính các khoản hỗ trợ an ninh và tài chính khác.
Nguyễn Tiến (Theo Politico)
Để lại một phản hồi