Tính toán của Bộ Giao thông – Vận tải cho thấy, tổng nhu cầu vật liệu của 10 dự án thành phần Dự án, đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa là khoảng 17,1 triệu m3 đá; 8,95 triệu m3 cát; 45,3 triệu m3 đất đắp. Đối với 2 dự án thành phần đoạn từ TP. Cần Thơ đến Cà Mau cần khoảng 1,37 triệu m3 đá; 1,7 triệu m3 đất đắp; 18,5 triệu m3 cát nền. Điều đáng nói là, toàn bộ nhu cầu này phải giải quyết ngay trong vòng 1,5 năm, bắt đầu từ đầu năm 2023. Đây là yêu cầu tiên quyết đảm bảo cho Dự án có thể hoàn thành vào năm 2025.
Cần phải nói thêm rằng, việc thiếu nguồn vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát, đất) do công tác khảo sát, quy hoạch, cấp phép khai thác của các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương còn hạn chế, bất cập; cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý… chưa hợp lý, chồng chéo, chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiến độ nhiều dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 bị chậm tiến độ.
Trong giai đoạn này, phần lớn các mỏ vật liệu thông thường đã được các địa phương giao cho các doanh nghiệp tư nhân quản lý, nhưng lại không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu, đã tạo điều kiện cho chủ mỏ “làm mưa, làm gió”, đẩy giá bán lên cao vượt rất xa dự toán các gói thầu, trong khi phần lớn lợi nhuận từ việc khai thác các mỏ đất, đá, cát rơi vào túi các chủ mỏ.
Được biết, ngay từ khi chuẩn bị triển khai Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù, trong đó, đáng kể nhất là việc giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho các nhà thầu thi công, tránh để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại các mỏ vật liệu.
Dù chuẩn bị từ rất sớm và thường xuyên nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Bộ Giao thông – Vận tải và các bộ, ngành liên quan, nhưng đến thời điểm này, tình trạng các nhà thầu phải đợi chờ vật liệu để thi công vẫn phổ biến, dù Dự án đã được khởi công từ ngày 1/1/2023.
Trong khi phần lớn các nhà thầu vẫn chờ các địa phương hoàn thiện thủ tục để bàn giao các mỏ cấp mới, thì một số chủ mỏ tư nhân vẫn đang găm hàng, hoặc chào giá rất cao, đặc biệt là cát đắp và cát xây dựng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, dù đây chính là đầu tàu giải ngân vốn đầu tư công của cả nước.
Để tránh tình trạng dự án chờ vật liệu, ngay từ lúc này, các địa phương cần rà soát cấp phép khai thác mỏ mới hoặc tiến hành nâng công suất các mỏ đã cấp phép khai thác theo các nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ. Việc phân bổ cho các dự án cần căn cứ nhu cầu và tiến độ triển khai từng dự án, theo nguyên tắc dự án nào khởi công trước thì ưu tiên phân bổ trước.
Trong khi chờ Bộ Giao thông – Vận tải hoàn thành nghiên cứu đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, phục vụ nhu cầu san lấp tại các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị Vùng đồng bằng sông Cửu Long, UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cần rà soát, nâng công suất các mỏ cát phục vụ trực tiếp xây dựng các tuyến đường cao tốc; hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thiện các thủ tục mở mỏ cát mới.
Đặc biệt, các địa phương cần thực hiện đúng và sớm chỉ đạo của Chính phủ giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho các nhà thầu thi công, không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại các mỏ vật liệu.
Ngoài ra, phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng găm giá, liên kết với nhau để nâng giá, tuyệt đối không để vật liệu trở thành “cục máu đông”, làm đình trệ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của đất nước.
Để lại một phản hồi