Đề xuất kéo dài thời gian thi công Nhà ga sân bay Long Thành

Công tác lựa chọn nhà thầu xây dựng, lắp đặt thiết bị Nhà ga hành khách cần sớm hoàn tất để Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có thể đảm bảo tiến độ

Đường găng tiến độ

Vào giữa tuần trước, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) đã có văn bản gửi các bộ: Giao thông – Vận tải (GTVT), Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Xây dựng và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để báo cáo quá trình thực hiện công tác đấu thầu Gói thầu số 5.10 – “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách” thuộc Dự án thành phần 3 – Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (gọi tắt là Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành) giai đoạn I.

Đây là báo cáo thứ tư mà ACV gửi tới các cơ quan có thẩm quyền trong vòng 1 tháng qua, để giải trình và kiến nghị biện pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan tại Gói thầu số 5.10 hiện đã trở thành đường găng tiến độ đối với toàn bộ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I.

Với giá gói thầu lên tới 35.233 tỷ đồng, Gói thầu số 5.10 là một trong những gói thầu xây lắp và cung cấp thiết bị lớn nhất, phức tạp nhất trong lĩnh vực hàng không cũng như xây dựng hạ tầng kỹ thuật cao từng được triển khai tại Việt Nam.

Trong báo cáo mới nhất, ACV một lần nữa kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép đơn vị được thực hiện điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng Gói thầu số 5.10 từ 33 tháng lên 39 tháng và hoàn thiện, điều chỉnh các nội dung tương ứng của Hồ sơ mời thầu Gói thầu 5.10 theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, vào ngày 7/3/2023, Bộ GTVT đã ban hành Thông báo số 69/TB-BGTVT ngày 7/3/2023 thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT tại cuộc họp về công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu và tiến độ thực hiện Gói thầu số 5.10 của Dự án thành phần 3 thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành hôm 3/3/2023.

Liên quan nội dung đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện Gói thầu số 5.10, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu ACV phối hợp chặt chẽ, giải trình để các bộ, ngành sớm có ý kiến gửi Bộ GTVT trước ngày 8/3/2023.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội đã ban hành nghị quyết yêu cầu chậm nhất năm 2025, Dự án phải hoàn thành và đưa vào khai thác. Tại Quyết định số 1777/QĐ-TTg, ngày 11/11/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác trước tháng 12/2025.

“Công tác lựa chọn nhà thầu cho Gói thầu số 5.10 bị chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng tới thời điểm đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 18/2/2023 của Văn phòng Chính phủ, ACV đã có báo cáo tình hình thực hiện Gói thầu 5.10 và công tác rà soát hợp đồng, hồ sơ mời thầu, về ràng buộc trách nhiệm của các nhà thầu thi công hạng mục Nhà ga hành khách trong việc đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình…

Tại văn bản này, ACV đã khẳng định, thời gian thi công của hợp đồng là mấu chốt, nên đã yêu cầu tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra đánh giá kỹ lại thời gian thi công xây dựng định hướng của Gói thầu 5.10 và kiến nghị kéo dài thời gian thi công trong hồ sơ mời thầu.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, để đảm bảo chất lượng của công trình, an toàn trong thi công, đề xuất kéo dài thời gian thực hiện Gói thầu số 5.10 của ACV là cần thiết.

Tuy nhiên, để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT yêu cầu ACV khẩn trương hoàn thiện báo cáo, trong đó làm rõ các nguyên nhân, bổ sung cơ sở khoa học, có tính toán đề xuất thời gian hoàn thành các hạng mục của Gói thầu số 5.10 để khả thi thực hiện tất cả các hạng mục chính; chịu trách nhiệm toàn diện với tư cách người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và pháp luật hiện hành.

“Bộ GTVT giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng chủ trì cùng ACV khẩn trương tham mưu Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo.

Ba nút thắt

Trong các báo cáo gửi cơ quan chức năng, ACV đều đánh giá nhất quán về 3 khó khăn phải đối mặt trong công tác lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 5.10.

Thứ nhất, giá Gói thầu số 5.10 về cơ bản được xây dựng theo hệ thống đơn giá, định mức của Việt Nam, không tương xứng với các yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Thứ hai, trong Hồ sơ mời thầu (mẫu hợp đồng) phải nêu rõ giá trị quyết toán là giá trị sau khi được Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ thực hiện kiểm toán, thanh tra. Do vậy, giá trị quyết toán thường bị giảm trừ so với giá trị đã được chủ đầu tư xác nhận và thanh toán cho nhà thầu. Điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế mà các nhà thầu quốc tế mong muốn áp dụng.

Theo lãnh đạo ACV, tuy mẫu hồ sơ mời thầu và mẫu hợp đồng tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT không quy định nội dung yêu cầu nhà thầu xuất toán theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, nhưng các chủ đầu tư nhà nước luôn đưa điều kiện này vào hồ sơ mời thầu, hợp đồng mẫu. Nếu không quy định điều kiện này, thì khi có yêu cầu giảm trừ của các đơn vị Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước, chủ đầu tư sẽ không có cơ sở để yêu cầu nhà thầu xuất toán lại giá trị tương ứng đã thanh toán. Khi đó, chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước sẽ bị quy kết trách nhiệm trong việc gây thất thoát vốn nhà nước mà không có biện pháp khắc phục hậu quả.

Đây là một trong những lý do chính dẫn đến việc các nhà thầu quốc tế có xu hướng ngại tham gia các dự án lớn tại Việt Nam, nếu các dự án này sử dụng vốn nhà nước không thông qua cơ chế ODA, không có bảo lãnh chính phủ.

“Hiện ACV vẫn giữ nguyên nội dung yêu cầu nhà thầu xuất toán theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, nhưng giảm tỷ lệ giữ lại chờ quyết toán và giữ lại bảo hành trong phạm vi mà pháp luật cho phép để tăng tính hấp dẫn của gói thầu”, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACV thông tin.

Nút thắt thứ ba, là tiến độ thi công được yêu cầu là 33 tháng, nhưng theo các nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công quốc tế, tiến độ này là không thể thực hiện được.

Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cũng cho biết, tham khảo các công trình có quy mô tương tự trên thế giới, thì thời gian thi công thực tế đều không dưới 46 tháng.

Các yếu tố nêu trên, theo đánh giá của VACC, có thể là nguyên nhân khiến các nhà thầu Nhật Bản (Taisei, Kajima – các tổng thầu có kinh nghiệm hoàn thành các dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 Nội Bài, T2 Tân Sơn Nhất) không mua hồ sơ mời thầu Gói thầu số 5.10.

Một số nhà thầu lớn khác như Huyndai, Lotte (Hàn Quốc), China Harbour và Power China (Trung Quốc)… dù đã mua hồ sơ mời thầu, đã tham gia Hội nghị Tiền đấu thầu lần thứ nhất và tích cực trao đổi với chủ đầu tư để làm rõ hồ sơ mời thầu, nhưng cuối cùng không nộp hồ sơ dự thầu.

Được biết, ngoài Bộ GTVT, ACV cũng đã nhận được ý kiến đồng thuận từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến việc kéo dài thời gian thi công Gói thầu số 5.10.

Tại Công văn số 1567/BKHĐT-QLĐT ngày 7/3/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc ACV xem xét, đánh giá lại tính khả thi về thời gian thực hiện Gói thầu số 5.10 trên cơ sở các ý kiến đề xuất của tư vấn, nhà thầu, nguyên nhân, kinh nghiệm được ACV rút ra sau khi tổ chức đấu thầu lần 1 không thành công là cần thiết.

Tuy nhiên, đề xuất của ACV về thời gian điều chỉnh chỉ dựa trên cơ sở ý kiến của tư vấn về thời gian thực hiện của một số nhà ga hành khách các nước trong khu vực, mà chưa có giải trình về cơ sở tính toán cụ thể để xác định thời gian cần thiết thực hiện Gói thầu 5.10 là 39 tháng.

“Do vậy, đề nghị ACV rà soát kỹ lưỡng quy mô, tính chất kỹ thuật, khối lượng công việc cần triển khai của Gói thầu số 5.10 để có cơ sở xác định thời gian khả thi nhất có thể để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hiệu quả, đồng thời có thể thu hút được sự quan tâm, tham gia dự thầu của nhiều nhà thầu trong và ngoài nước, tránh việc trình các cấp có thẩm quyền điều chỉnh thời gian thực hiện nhiều lần”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị.

Nhà thầu quan ngại về thời gian thực hiện Gói thầu số 5.10

Theo Hồ sơ mời thầu, thời gian thực hiện hợp đồng Gói thầu số 5.10 là 990 ngày (33 tháng), bao gồm cả ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ Tết theo quy định của pháp luật Việt Nam kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.

Mốc thời gian 33 tháng được bên mời thầu xây dựng nhằm đảm bảo Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I có thể hoàn thành vào cuối năm 2025 theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Hình thức đấu thầu Gói thầu 5.10 là đấu thầu rộng rãi quốc tế, không qua mạng, không sơ tuyển. Phương thức lựa chọn nhà thầu là một giai đoạn, 2 túi hồ sơ.

Sau 2 lần gia hạn thời điểm đóng thầu, đến thời điểm đóng thầu lần 2 (ngày 30/11/2022), vẫn chỉ có 1 nhà thầu liên danh nộp hồ sơ dự thầu là Conteccons – Vinaconex – Centra – Phục Hưng Holdings – REE – Hòa Bình – HAWEE.

ACV đã tổ chức mở thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà thầu liên danh nói trên và có quyết định hủy thầu Gói thầu 5.10, do hồ sơ dự thầu của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự theo yêu cầu của Hồ sơ mời thầu.

Ngày 19/1/2023, ACV đăng tải Thông báo mời thầu số IB2300010641 cùng toàn bộ hồ sơ mời thầu mới của Gói thầu số 5.10 lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Một số nội dung thay đổi của hồ sơ mời thầu mới gồm tiêu chí kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự; giảm tỷ lệ giữ lại chờ quyết toán và giữ lại bảo hành trong phạm vi mà pháp luật cho phép để tăng tính hấp dẫn của gói thầu.

Sáng 10/2/2023, ACV chức Hội nghị Tiền đấu thầu lần thứ 2 với sự tham gia của 6 nhà thầu nước ngoài và 19 nhà thầu trong nước. Tại hội nghị, nhiều nhà thầu nêu quan ngại về thời gian 33 tháng thực hiện hợp đồng là quá ngắn, không khả thi.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*