Đi qua cơn bĩ cực, khi nào ngành thép sẽ khởi sắc trở lại?

Sau giai đoạn khó khăn, ngành thép đang được kỳ vọng sẽ khởi sắc trước tín hiệu lạc quan từ nguồn cung thép thế giới. Nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp thép đã có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng ngành và nhận định khó khăn nhất của ngành đã đi qua.

Đơn cử như Tập đoàn Hòa Phát đánh giá ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục. Theo đó, doanh nghiệp đã và đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt.

Trong khi đó, lãnh đạo Thép Nam Kim (NKG) dù từ chối đưa nhận định cụ thể về ngành thép tuy nhiên vẫn nhấn mạnh giai đoạn khó khăn nhất 2 quý vừa rồi đã qua, khởi đầu năm 2023 dự đoán ổn hơn.

Thận trọng hơn, Hoa Sen đánh giá xuất khẩu thép 2023 vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Bên cạnh đó, cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp trong ngành.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia cũng chung quan điểm ngành thép có thể đã qua thời điểm khó khăn nhất. Song vấn đề được quan tâm là sau cơn bĩ cực, khi nào ngành thép sẽ khởi sắc trở lại?

Khó khăn nhất của ngành thép đã qua

Tại diễn đàn DInsights “Biến động TTCK: Tâm điểm ngành thép và bất động sản” do VNDirect tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng ngành đang đối diện 4 yếu tố khó khăn.

(1) Chi phí tài chính cao do lãi suất vẫn neo mức cao. (2) Nhiều doanh nghiệp đang gặp thách thức khi ngành thép phải chuyển đổi, tăng hàm lượng xanh khi xuất khẩu sang Mỹ, EU. (3) Chi phí sản sản xuất cao khi điện tăng. (4) Rủi ro từ chính sách phỏng vệ thương mại của các nước.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại TS.Cấn Văn Lực cũng cho rằng ngành cũng có nhiều điểm thuận lợi như giá thép bắt đầu nhích lên, Trung Quốc mở cửa trở lại và chính phủ tăng cường đầu tư công.

Đi qua cơn bĩ cực, khi nào ngành thép sẽ khởi sắc trở lại? - Ảnh 1.
Đi qua cơn bĩ cực, khi nào ngành thép sẽ khởi sắc trở lại? - Ảnh 2.

Cũng đưa ra góc nhìn, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDirect cho biết thời gian qua có nhiều tín hiệu tích cực cho ngành thép như nguồn cung thép thế giới tăng trở lại trong tháng 1 sau nhiều quý giảm, biên lợi nhuận của ngành thép Trung Quốc có xu hướng tạo đáy, hàng tồn kho giá cao của các doanh nghiệp thép giảm mạnh vào cuối quý 4.

“Thời điểm khó khăn của ngành thép cơ bản đã qua. Tuy nhiên, khi nào ngành thép mới khởi sắc thì cần tìm hiểu các biến số nào tác động đến ngành thép”, bà Hiền chia sẻ.

Dấu hiệu nhận diện ngành thép phục hồi trở lại

Về các yếu tố tác động đến ngành thép trong thời gian tới, chuyên gia nêu một vài điểm chính.

Về mảng xây dựng dân dụng, khoảng 60% sản lượng thép trong nước và điều này liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thị trường bất động sản được dự báo tiếp tục khó khăn trong thời gian tới, ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thép.

Đối với mảng xuất khẩu, thị trường ASEAN – tiêu thụ khoảng 10% tổng lượng thép cả nước, dự kiến tăng trưởng chậm hoặc đi ngang. Với khu vực Châu Âu, Mỹ – chiếm khoảng 3% tổng lượng thép vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.

Điểm sáng đến từ việc đẩy mạnh đầu tư công từ Chính phủ khi chiếm 18% nguồn cung thép. Theo đó, giải ngân đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng 20 – 25% bao gồm cả việc sân bay Long Thành xây dựng đúng tiến độ.

Nhìn về triển vọng thị trường thép trong ngắn hạn, chuyên gia nhận thấy có rất ít yếu tố tích cực, rủi ro nhiều hơn. VNDirect dự báo nhu cầu tiêu thụ thép trong nước giảm khoảng 9% trong năm 2023, trong khi đó hầu hết các tổ chức dự báo giá thép giảm 3% so với năm 2022.

Thời gian mở cửa Trung Quốc phục hồi sản xuất sẽ đẩy nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh. Tuy nhiên, về dài hạn nhu cầu tiêu thụ thép Trung Quốc từ đầu tư công sẽ hỗ trợ cho giá thép và giúp biên lợi nhuận ngành tìm điểm cân bằng.

Đi qua cơn bĩ cực, khi nào ngành thép sẽ khởi sắc trở lại? - Ảnh 3.

Những biến số được đánh giá là sẽ tác động đến triển vọng ngành thép sẽ đến từ việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản; tiến trình giải ngân vốn đầu tư công trong nước được đẩy mạnh; thị trường xuất khẩu thép sang EU và Mỹ; biến động giá nguyên vật liệu và giá thép đầu ra; biến động tỷ giá/lãi suất.

Trước nhiều yếu tố khó lường, Giám đốc Phân tích VNDirect cho rằng cần chọn lựa những doanh nghiệp có khả năng thay đổi để phù hợp bối cảnh mới. Theo đó, những doanh nghiệp có khả năng quản trị rủi ro tốt hơn sẽ có sức chống chịu tốt hơn trong thời điểm này.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp đầu ngành có thị phần lớn sẽ phục hồi nhanh hơn nhờ lợi thế thương hiệu và năng lực phân phối khi chu kỳ của ngành thay đổi.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*