Thế giới vừa trải qua 3 năm đầy biến động. Có lẽ việc kinh doanh trở nên khó khăn từ khi bùng nổ đại dịch vào mùa xuân năm 2020. Thế giới đóng cửa, sản xuất bế tắc. Nền kinh tế thực sự đã chìm trong suy thoái dù chỉ trong quãng thời gian ngắn ngủi. Tiếp đó là “trận chiến điên cuồng” trong nỗ lực phục hồi sau đại dịch, và lạm phát xảy ra.
Nền kinh tế thế giới vốn đang phát triển mạnh mẽ nhưng lại trải qua tình trạng tăng lãi suất chóng mặt- thời kỳ biến động nhất kể từ năm 1980. Theo nhân viên của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, các chính sách để đối phó với những tác động của đại dịch đã lôi thế giới ra khỏi tình trạng trì trệ, lạm phát và đánh dấu một kỷ nguyên mới.
Trong bối cảnh đó, môi trường kinh doanh thay đổi là điều trong tầm dự đoán. Dựa vào diễn biến của thị trường chứng khoán, các chuyên gia đã nghiên cứu nhiều ngành công nghiệp nói chung và các công ty hoạt động mạnh nhất tại Mỹ nói riêng trong ba năm qua để tìm hiểu hoạt động kinh doanh đã thay đổi đáng kể như thế nào. Sự phát triển vũ bão của kỹ thuật số đã nâng cấp nền tảng cho ngành kinh tế cũ, trong khi các công ty lỗi thời nay đã “rục rịch” trở lại đường đua.
Các chuyên gia đã chọn ngày 1 tháng 1 năm 2020 làm dấu mốc để phân tích. Trong 3 năm qua, chỉ số S&P 500 gồm các cổ phiếu hàng đầu Mỹ tăng 25%. Lĩnh vực công nghiệp hoạt động tốt nhất là năng lượng. Tiếp đó là công nghệ thông tin. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng hoạt động tốt, đúng theo dự kiến trong thời kỳ bùng nổ dịch bệnh. Đứng thứ hai trong ngành chăm sóc sức khỏe là Moderna – công ty sản xuất vắc xin hàng đầu, với cổ phiếu tăng không dưới 800%.
Ở chiều ngược lại, nhóm các công ty kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Một trong những ngành bị ảnh hưởng xấu nhất là bất động sản, ngân hàng và dịch vụ truyền thông. Ở cuối bảng xếp hạng hiệu suất là các công ty về tàu du lịch như Carnival. Công ty này đã chịu khoản nợ khủng khiếp và cổ phiếu sụt giảm trong vô vọng.
Mặc dù vậy, việc đo lường hiệu quả doanh nghiệp thông qua giá cổ phiếu chưa thật sự chuẩn xác. Ví dụ, mặc dù cổ phiếu của Tesla đã trưởng tăng một cách thần tốc (556%) cho dù mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư lên xuống thất thường. Tuy vậy, nhìn chung thì hiện nay, thành công trong kinh doanh luôn gắn liền với giá cả thị trường. Điều này cũng cho thấy suy nghĩ của nhà đầu tư theo thời gian.
Để hiểu rõ hơn, các chuyên gia đã chia “cuộc chiến kinh doanh” trong ba năm gần đây thành ba giai đoạn: đình trệ, mở cửa trở lại và lạm phát.
Giai đoạn đình trệ
“Con cưng” của các nhà đầu tư trong giai đoạn trước dịch là các công ty công nghệ. Các công ty dựa trên ý tưởng và thông tin được ưa chuộng hơn những công ty dựa vào vốn vật chất.
Giai đoạn này kéo dài đến ngày 8 tháng 11 năm 2020, một ngày trước khi kết quả thử nghiệm vắc xin Pfizer được công bố. Những ngành chiến thắng lớn là công nghệ, tiêu dùng không thiết yếu (Amazon tăng 79%) và dịch vụ truyền thông(Netflix tăng 59%).
Lúc này, bất động sản, ngân hàng và năng lượng lại giảm. Nguyên nhân là do thời kỳ đại dịch, thế giới bị mắc kẹt. Tất cả mọi người đều sử dụng phần mềm và dịch vụ giao hàng. Văn phòng không người sử dụng, ít lái xe, di chuyển hàng không hạn chế (ảnh hưởng xấu tới các công ty dầu khí). Ngân hàng cũng bị ảnh hưởng bởi lãi suất giảm và tình trạng vỡ nợ.
Giai đoạn mở cửa trở lại
Ở thời điểm này, năng lượng trở thành ngành chiến thắng. Tiếp đó là tài chính, công nghệ và bất động sản. Lúc này lạm phát đã nhen nhóm. Nhưng nó được coi là dấu hiệu của sự tăng trưởng chứ chưa trở thành mối đe dọa.
Giai đoạn lạm phát xảy ra
Lạm phát bắt đầu từ đầu năm nay. Cục Dự trữ Liên bang không còn lạc quan mà trở nên quan ngại về vấn đề này. Kỳ vọng tăng lãi suất tăng lên nhưng thị trường chứng khoán lại sụt giảm. Tất cả lĩnh vực đều đi vào bế tắc (ngoại trừ năng lượng).
Dù chiến thắng ở giai đoạn đầu tiên nhưng công nghệ, tiêu dùng không thiết yếu và truyền thông giải trí vẫn bị ảnh hưởng nặng nề ở thời kỳ này. Ban đầu giá cổ phiếu của các doanh nghiệp công nghệ được dự báo là top đầu, nhưng nay lại bết bát, bị nhà đầu tư quay lưng.
3 năm dài
Sau ba năm, ngành có sự phát triển ổn định nhất lại chính là năng lượng. Đặc biệt là các công ty dầu mỏ như ExxonMobil và Chevron. Dù hai công ty này đã có một 2020 tồi tệ, hai năm sau đó họ đã hồi phục và phát triển như vũ bão.
Trong khi đó, ngành công nghệ ghi nhận hai năm thất bại. Tuy nhiên lại có sự chênh lệch lớn. Trong danh mục các công ty công nghệ lớn, cổ phiếu Meta sụt giảm 50% nhưng cổ phiếu Apple tăng mạnh. Giá cổ phiếu của Nvidia, một công ty mới chuyên thiết kế chip đã tăng 177%. Trong khi Intel, công ty tiên phong về chip lại sụt giảm.
Xu hướng nào trong ba năm qua sẽ còn tồn tại và xu hướng nào sẽ chỉ mang tính tức thời?
Nhiều công ty công nghệ đang gặp vấn đề về cơ cấu. Các công ty phát triển mạnh trong những năm 2010 như Amazon và Netflix hiện vẫn tăng trưởng không ngừng. Nhiều gã khổng lồ công nghệ cạnh tranh lẫn nhau một cách mạnh mẽ. Nếu nhu cầu tiêu dùng bị sụt giảm, các công ty này sẽ gặp tổn thất không nhỏ.
Các công ty công nghệ hấp dẫn nhà đầu đầu tư ở chỗ họ không cần nhiều vốn nếu so với mô hình kinh doanh truyền thống. Khi nền tảng kỹ thuật số được thiết lập, việc tăng số lượng khách hàng sẽ không làm tăng chi phí như các công ty truyền thống. Theo Robert Buckland của ngân hàng CitiGroup, Amazon nhanh chóng chiếm 5% doanh số bán lẻ của Mỹ và sử dụng ít vốn hơn Walmart.
Nhưng càng ngày chúng ta càng thấy rõ các ông lớn công nghệ cũng phải phụ thuộc vào tài sản hữu hình nhiều như tài sản vô hình. Chi phí vốn của Amazon trong năm 2023 được dự báo là lớn gấp đôi so với ExxonMibil. Gần đây Meta chi cả núi tiền cho “vũ trụ ảo” bất chấp nhà đầu tư đánh giá hết sức bi quan về triển vọng của siêu dự án này. Còn lợi nhuận của Netflix thì bị hao hụt đáng kể do phải chi nhiều tiền hơn cho nội dung.
Chìa khóa để thành công trong thời đại mới
Trong tương lai, vấn đề quan trọng nhất đối với các công ty công nghệ chính là lãi suất tăng. Và khi tiền rẻ không còn, khả năng điều phối và sử dụng vốn hiệu quả đã trở thành “chìa khóa” trong thời đại mới. Nhiều công ty dầu mỏ từng bị tai tiếng khi dành hết lợi nhuận để đầu tư vào hoạt động thăm dò. Nhưng áp lực từ cổ đông và sự không tán thành khi đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch đã gây nhiều trở ngại cho việc phân bổ vốn.
Tương tự, ngày nay, các công ty công nghệ lớn cũng đang đốt tiền cho những ý tưởng mới trên hành trình đi tìm mỏ vàng tiếp theo. Những công ty có kỷ cương tốt nhất sẽ chiến thắng.
Trước đây, gần như mọi công ty công nghệ đều có thể dễ dàng gọi vốn. Ông chủ Tesla, Elon Musk, đã khai thác đúng khoảng thời gian này cũng như tận dụng sự kiên nhẫn của nhà đầu tư để xây dựng nên đế chế xe điện. Giờ đây Tesla trở thành đối thủ “sống còn” của General Motors và Ford.
Tuy nhiên, hiện tại nguồn vốn đã khan hiếm hơn trước. Một công ty tương tự như Tesla chắc chắn sẽ không thể nhận được sự hậu thuẫn hào phóng như vậy. Những công ty đương nhiệm sẽ ít bị đe dọa.
Một “nốt trầm” đã xuất hiện đối với ngành công nghệ. Sau tất cả, ngành này không hào nhoáng và thần tốc đến mức như người ta đã từng nhận định dù vẫn phát triển. Và những mô hình cũ đã có nhiều cải tiến. Tuy nhiên chu kỳ kinh doanh “lạ kỳ” này vẫn chưa kết thúc. Tương lai dự báo sẽ có nhiều bất ngờ hơn.
Tham khảo: The Economist
Để lại một phản hồi