Sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz chấp thuận chuyển xe tăng chiến đấu Leopard 2 tới Ukraine, Ba Lan đã gặp không ít khó khăn để gửi đi những chiếc Leopard đời cũ trong kho nhằm hoàn thành cam kết của mình. Ba Lan cáo buộc Đức không cung cấp phụ tùng thay thế cho những chiếc xe tăng phiên bản cũ này.
“Trách nhiệm chính thuộc về Đức, nhà sản xuất chính của những chiếc xe tăng đó”, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuần trước tuyên bố. “Từ lâu chúng tôi đã thúc giục Đức không chỉ cung cấp xe tăng cho Ukraine, mà còn cả phụ tùng thay thế”.
Tranh cãi với Đức nổ ra vài tháng trước khi Ba Lan dự kiến tổ chức bầu cử. Jaroslaw Kaczynski, chính trị gia có ảnh hưởng nhất Ba Lan và là lãnh đạo đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền, từ năm ngoái bắt đầu coi Đức là “bia đỡ đạn” trong chiến dịch tranh cử, trong đó tập trung vào yêu cầu Berlin phải bồi thường cho Ba Lan 1,3 nghìn tỷ USD vì những thiệt hại thời Thế chiến II.
Những lời phàn nàn từ Warsaw không ngừng gia tăng. Theo một quan chức giấu tên, chính phủ Ba Lan cho rằng Đức chỉ muốn cạnh tranh với Ba Lan trong nỗ lực huấn luyện binh sĩ hay cung cấp xe tăng cho Ukraine, hơn là thực sự mang đến cho Kiev những gì họ cần.
Đại sứ Đức tại Warsaw đã đáp trả gay gắt trên Twitter một bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak rằng Moskva đã thu lợi hàng tỷ USD nhờ chính sách năng lượng của Berlin.
“Bộ trưởng Blaszczak có biết Ba Lan chuyển cho Nga bao nhiêu tỷ USD mỗi năm để mua năng lượng không?”, Đại sứ Thomas Bagger đặt câu hỏi trong bài viết. Không lâu sau đó, Marcin Przydacz, cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Duda, cho biết ông đã có một “cuộc trò chuyện dài” với Đại sứ Đức để phản đối những bình luận này.
Chính phủ Đức trong khi đó tin rằng giọng điệu gay gắt từ Ba Lan chỉ là cách để gây ấn tượng với cử tri trước cuộc bầu cử sắp diễn ra và căng thẳng sẽ giảm bớt sau khi chiến dịch tranh cử kết thúc, theo một quan chức Đức am hiểu vấn đề.
Dù vậy, Berlin cũng thẳng thắn phản bác những cáo buộc từ Warsaw rằng Đức là nguyên nhân khiến Ba Lan chật vật trong nỗ lực chuyển xe tăng Leopard cho Ukraine.
Tại một cuộc họp của NATO ở Brussels, Bỉ, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã mô tả kho xe tăng Leopard 2A4 hàng chục năm tuổi của Ba Lan là “không có gì đặc sắc”. Mục tiêu tập hợp hai tiểu đoàn Leopard 2 để kịp cung cấp cho Ukraine đối phó chiến dịch tấn công của Nga có nguy cơ chậm trễ, ông nói.
Tuy nhiên, các quan chức ở Berlin vẫn khẳng định rằng ngoài tranh cãi về xe tăng và vũ khí viện trợ Ukraine, các lĩnh vực hợp tác khác giữa hai nước vẫn tốt đẹp, như việc Đức tặng Ba Lan tổ hợp Patriot nhằm tăng cường năng lực phòng không.
Về năng lượng, Đức đang chuẩn bị bán một nhà máy lọc dầu gần Berlin mà nước này đã tịch thu từ công ty dầu mỏ nhà nước Nga. Công ty lọc hóa dầu PKN Orlen của Ba Lan rất quan tâm đến việc mua cổ phần tại đây.
Và trong cuộc đấu khẩu về vấn đề phụ tùng cho xe tăng Leopard 2A4, Đức dường như đã tìm ra giải pháp. Các cố vấn của Thủ tướng Scholz đã gặp những quan chức trong ngành tại Hội nghị An ninh Munich hồi giữa tháng hai và cả Berlin lẫn Warsaw đều bày tỏ hài lòng rằng việc sản xuất linh kiện, phụ tùng có thể được tăng cường trong thời gian thích hợp.
Bộ trưởng Pistorius cho hay tình trạng thiếu hụt phụ tùng đã khiến giới chức nước này phải thu thập “mọi loại vật tư trên khắp thế giới” cho những mẫu xe tăng cũ, đồng thời nỗ lực để tăng năng lực sản xuất. “Nhưng điều này đòi hỏi thời gian và chúng tôi phải cố gắng hết sức với nguồn lực sẵn có”, ông nói.
Thủ tướng Scholz tuần trước cho biết các đồng minh đang liên lạc chặt chẽ với nhau nhằm đảm bảo cung cấp các linh kiện đáng tin cậy cho những xe tăng Leopard 2 mà họ bàn giao cho Ukraine.
“Đây là nhiệm vụ đang diễn ram bởi chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine đến bao giờ cần thiết”, ông nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo Bloomberg)
Để lại một phản hồi