Dù đã trải qua cuộc đại tu lớn, nhưng Deutsche Bank hiện vẫn “khoẻ mạnh”
Deutsche Bank là một trường hợp không giống Credit Suisse hay Silicon Valley Bank. Tuy nhiên, dường như ngân hàng này cũng đang ở vị thế dễ bị tổn thương.
Ở phiên giao dịch ngày 24/3, cổ phiếu nhà cho vay của Đức giảm khoảng 9%, một dấu hiệu cho thấy mối lo ngại về các ngân hàng châu Âu đang lan rộng ra bên ngoài CS. Deutsche Bank có thể trở thành tâm điểm của sự chú ý với lý do giống như CS hồi tuần trước. Tức là, giới đầu tư đang tự hỏi đâu sẽ là ngân hàng tiếp theo gặp rắc rối.
Một yếu tố liên quan là thị trường nợ thứ cấp của châu Âu – vốn đang rơi vào trạng thái bất ổn sau khi NHTW Thuỵ Sĩ (SNB) quyết định xoá sổ toàn bộ trái phiếu AT1 của CS. Sau đó, chứng khoán ngành ngân hàng đã rớt giá, tức là chi phí huy động vốn sẽ cao hơn trong tương lai.
Cổ phiếu của các ngân hàng khác cũng giao dịch tiêu cực trong phiên ngày 24/3, khi Barclays và BNP Paribas lần lượt mất khoảng 4% và 5%. Trong bối cảnh đó, Deutsche Bank đã đề nghị mua lại trái phiếu thứ cấp theo giá trị danh nghĩa nhằm nỗ lực thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.
Deutsche Bank đang được hưởng lợi từ việc lãi suất tăng cao, trong khi họ chật vật trong một thời gian dài ở thời kỳ lãi suất âm. Thu nhập lãi thuần của Deutsche Bank tăng 39% vào năm ngoái đối với bộ phận cho vay doanh nghiệp. Ngoài ra, tỷ lệ vốn và thanh khoản cũng ở mức ổn định vào năm ngoái.
Để trấn an thị trường, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phát biểu rằng: “Deutsche Bank đã hiện đại hoá và tái tổ chức mô hình kinh doanh một cách triệt để. Đây là một ngân hàng có lợi nhuận rất lớn, nên không có lý do gì để lo lắng về họ.”
Ngoài ra, một số nhà phân tích và nhà đầu tư cũng khá ngỡ ngàng khi Deutsche Bank lại phải hứng chịu “búa rìu” của thị trường.
Nguyên nhân nào khiến thị trường lo lắng?
Các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của ngân hàng này, hay nói một cách khác là bảo hiểm rủi ro vỡ nợ, lại tăng vọt vào ngày 24/3 lên mức tương tự như khi đại dịch Covid-19 diễn ra.
Nguyên nhân của diễn biến này là, các chủ nợ rơi vào trạng thái lo ngại, khiến chi phí huy động vốn của Deutsche Bank tăng lên và các ngân hàng đầu tư khác ngần ngại giải quyết vấn đề này. Đây là một lý do khác với trường hợp của CS, nhưng cũng là một rủi ro đối với nhà băng của Đức.
Deutsche Bank thực chất cũng không hoàn toàn “khoẻ mạnh”. Chỉ số CIR của ngân hàng này là 75% trong năm 2022, cao hơn so với mức 85% vào năm 2021 và cũng cao hơn so với mức trung bình ở châu Âu. Trong quý III năm ngoái, các nhà cho vay lớn được ECB theo dõi có CIR đạt khoảng 61%.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi của Deutsche Bank nhìn có vẻ vững chắc hơn, nhưng các con số tổng thể của họ lại bị kéo tụt bởi “đơn vị giải ngân vốn” – một bộ phận được thành lập vào năm 2019 để thanh lý các tài sản mà họ không muốn nắm giữ. Tỷ lệ đòn bẩy của bộ phận này tính theo tổng tài sản/vốn chủ sở hữu cũng ở mức cao.
Những “điểm yếu” này, ngay cả khi Deutsche Bank đã thoát ra khỏi những ngày tháng khủng hoảng, cũng khiến giá cổ phiếu liên tục sụt giảm. Sau diễn biến ngày 24/3, cổ phiếu của nhà băng này chỉ được giao dịch ở mức 32% giá trị sổ sách hữu hình, trong khi Barclays và BNP Paribas là 45% và 62%. Trong một lĩnh vực mà mối lo ngại của thị trường có thể “hô biến” mức định giá thấp thành một “lời tiên tri tự ứng nghiệm”, thì những vấn đề trước đây của Deutsche Bank cũng trở thành “bóng ma” ám ảnh họ.
Chỉ mới vài năm trước, nhà cho vay hàng đầu nước Đức vẫn là một “ông trùm rắc rối” của ngành ngân hàng châu Âu dù hiện đã ở tình trạng khả quan hơn. Năm ngoái, lợi nhuận ròng của Deutsche Bank đạt 6,1 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2007, trong khi CS lỗ ròng 8 tỷ USD.
Một yếu tố khác khiến ngân hàng này gặp rắc rối, đó là những lời đề cập về Deutsche Bank bỗng bùng nổ trên các trang mạng xã hội ở những ngày gần đây. Đây cũng là những gì xảy ra với CS vào mùa thu năm ngoái và được nhiều người nhận định là nguyên nhân gây ra những rắc rối của nhà băng Thuỵ Sĩ.
Tuy nhiên, điều khiến thị trường quan tâm là quan khứ đầy sóng gió của Deutsche Bank. Họ đã thanh toán các khoản phạt theo đúng quy định vì đã tạo điều kiện cho hoạt động rửa tiền ở Nga diễn ra, nắm giữ tài khoản của tỷ phú gây tranh cãi Jeffrey Epstein và do hoạt động kiểm soát nội bộ yếu kém.
Bộ phận quản lý tài sản của ngân hàng Đức – là DWS, cũng đang bị điều tra ở Mỹ vì bị cáo buộc thổi phồng các tuyên bố về tính bền vững với các khoản đầu tư của họ. Năm ngoái, DWS đã đồng ý gia hạn thời hạn của việc giám sát từ bộ phận bên ngoài, do vi phạm thoả thuận quy định khi không tiết lộ một khiếu nại về cách DWS quản lý hoạt động đầu tư ESG.
Deutsche Bank có thể không có nhiều điều để lo lắng ngoài chính nỗi sợ của họ, nhưng như những gì đã xảy ra ở ngành ngân hàng hiện nay thì điều đó có thể sẽ “khuấy đảo” tất cả.
Tham khảo WSJ
Để lại một phản hồi