Góc nhìn TTCK tuần 6-10/3: Điều chỉnh có thể tiếp diễn, chiến lược đầu tư nào cho tháng 3?

Thị trường bước sang tháng 2 sụt giảm cả về điểm số lẫn thanh khoản. Kết phiên giao dịch cuối tháng, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.025 điểm tương ứng giảm 8% so với tháng trước. Cùng với đó thanh khoản giảm nhẹ 4% với giá trị giao dịch bình quân phiên trên cả 3 sàn đạt khoảng 11.600 tỷ đồng.

Sau tháng 1 khởi sắc, áp lực bán quay trở lại với hầu hết các nhóm ngành. Trong đó nhóm dịch vụ tài chính, hóa chất, du lịch là 3 nhóm giảm điểm mạnh nhất với mức giảm trên 13%. Chiều ngược lại nhóm viễn thông và dầu khí là 2 nhóm duy nhất giữ được sắc xanh với mức tăng lần lượt là 12,6% và 1,3%.

Khối ngoại quay trở lại bán ròng sau 3 tháng mua ròng liên tiếp. Thống kê trong tháng 2 khối ngoại bán ròng khoảng 260 tỷ đồng tập trung vào các mã VHM; DXG; DGC. Chiều ngược lại STB; HPG; PVD là top 3 mã khối ngoại mua nhiều nhất.

Ngược chiều với khối ngoại, tự doanh vào ròng khoảng 260 tỷ trong tháng 2 tập trung vào các mã KDH, VSC, MWG. Chiều ngược lại bán ròng mạnh PET, HPG, VNM.

Trong khi đó, sau nhiều tháng bán ròng, khối nhà đầu tư cá nhân trong nước tham gia tích cực khi thị trường biến động. Trong tháng 2 khối này vào ròng khoảng 1.350 tỷ đồng.

Trong tháng 2, có một số thông tin đáng chú ý về chỉ tiêu vĩ mô, cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2023 ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, IIP ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2023 tăng 0,45% so với tháng trước và tăng 4,31% so với cùng kì. Giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân chính làm CPI tăng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai ước đạt 481,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Hai ước đạt gần 30 nghìn tỷ đồng, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/02/2023 đạt 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam hai tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Với các diễn biến trên, Agriseco Research đánh gía, xu hướng đảo chiều giảm điểm đã xuất hiện trong các phiên đầu tháng và trở thành xu hướng chính trong tháng 2. Mặc dù VN-Index đã có phiên kiểm định lại vào ngày 20/2, song đã thất bại trong việc quay trở lại vùng 1.100 điểm. Kết thúc tháng 2, chỉ số dừng lại ở sát mức thấp nhất tháng và xóa bỏ gần hoàn toàn sự phục hồi trong tháng 1. Diễn biến kém khả quan của thị trường có một số nguyên nhân chính sau:

(1) Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phần lớn có chiều hướng khó khăn hơn trong môi trường lạm phát, lãi suất duy trì ở mức cao

(2) Các thông tin hỗ trợ thị trường vẫn còn tương đối ít do đó nhà đầu tư thường khá thận trọng trước quyết định giao dịch.

(3) Khối ngoại nối dài đà bán ròng trong bối cảnh FED có thể nâng lãi suất mạnh hơn sau khi số liệu lạm phát tháng 1 được công bố dưới mức kỳ vọng.

Mặc dù tháng 3 trong quá khứ thường là tháng tăng điểm (với xác suất 73%), tuy nhiên với diễn biến giằng co của thị trường trong bối cảnh thiếu vắng các thông tin hỗ trợ, và các chỉ báo kỹ thuật đang cho tín hiệu khá tiêu cực (đường MA20 cắt đường MA50 đi xuống, hay RSI đang dưới ngưỡng 50 và đi xuống,.…), Agriseco Research nhận định rủi ro tiếp diễn nhịp giảm điểm với thanh khoản thấp là hiện hữu, dự báo VN-Index có thể giao dịch quanh vùng 975 – 1.050 điểm trong tháng 3.

Về chiến lược đầu tư tháng 3, với việc rủi ro điều chỉnh có thể tiếp diễn, nhà đầu tư nên nâng cao tỷ trọng tiền mặt, giữ tỷ lệ cổ phiếu ở mức tối đa 20% và sẵn sàng tiền mặt cho nhịp giao dịch trong ngắn hạn. Cơ hội đầu tư trong tháng 3 sẽ có sự phân hóa và chọn lọc, trong bối cảnh trạng thái thận trọng được duy trì như hiện tại. Nhà đầu tư có thể tham khảo một số chủ đề sau:

Thứ nhất là chủ đề đầu tư từ nhóm cổ phiếu phòng thủ như nhiệt điện (với tỷ suất cổ tức cao và hưởng lợi bởi thời tiết chuyển dần sang trạng thái nóng) và nước (việc dòng vốn FDI tiếp tục ở mức cao sẽ là điều kiện để các doanh nghiệp ngành nước thâm nhập, từ đó tăng doanh thu và lợi nhuận).

Thứ hai là các doanh nghiệp có KQKD Quý I khả quan. Bên cạnh nhóm có kết quả tăng trưởng ổn định như điện, nước, nhà đầu tư có thể theo dõi thêm nhóm cổ phiếu dầu khí trong bối cảnh giá dầu dự kiến sẽ tăng trở lại do nguồn cung từ Nga suy giảm và nhu cầu tiêu thụ tăng khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế. Ngoài ra, nhóm dầu khí có câu chuyện tăng trưởng từ dự án Lô B – Ô Môn, cũng có thể là cơ hội để tích lũy tại các nhịp điều chỉnh của thị trường.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*