Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết nước này đã thử nghiệm hệ thống vũ khí mới mang tên Haeil (Sóng thần) chuyên thực hiện đòn tấn công bí mật nhằm vào vùng biển của đối thủ, bằng cách kích nổ đầu đạn hạt nhân dưới nước, tạo ra “sóng thần phóng xạ” phá hủy tàu chiến và mục tiêu trên bờ.
Bình Nhưỡng cho biết Haeil là tàu lặn không người lái (USV) mang có thể mang đầu đạn hạt nhân. Trong vụ thử nghiệm gần đây, Haeil di chuyển ở độ sâu 80-150 m trong 59 giờ liên tục, trước khi kích nổ đầu đạn thử nghiệm phi hạt nhân ở vùng biển phía đông đất nước hôm 23/3.
“USV này có thể được triển khai từ mọi bờ biển và bến cảng, cũng như được tàu mặt nước kéo đi”, KCNA cho hay.
Hình ảnh được công bố cho thấy lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngồi cạnh vật thể lớn có hình ngư lôi, phía sau là các bản vẽ kết cấu thiết bị. Tuy nhiên, truyền thông Triều Tiên không cho biết liệu đây có phải mẫu USV được thử nghiệm hôm 23/3 hay không.
Ankit Panda, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Mỹ, cho rằng với vụ thử nghiệm này, Triều Tiên dường như muốn phát thông điệp cảnh báo Mỹ và Hàn Quốc rằng họ có thể tung đòn đáp trả bằng nhiều phương pháp triển khai vũ khí hạt nhân khác nhau trong trường hợp nổ ra xung đột, nhằm đảm bảo năng lực răn đe.
“Bình Nhưỡng đã đặt tên lửa vào giếng phóng, tàu hỏa, tàu ngầm và bệ phóng di động, giờ đây còn bổ sung tàu lặn không người lái vào danh sách vũ khí răn đe chiến lược”, Panda nói.
Chuyên gia Panda nhận định nguyên lý vận hành của Haeil có nhiều nét tương đồng với siêu ngư lôi Poseidon, loại tàu lặn không người lái do Nga phát triển với khả năng mang được đầu đạn hạt nhân mạnh tương đương hai triệu tấn thuốc nổ TNT.
Khi được kích hoạt ở vùng biển ngoài khơi, Poseidon được cho là có thể tạo ra một đợt “sóng thần” tàn phá nhiều công trình ven biển và tàu chiến đối phương. Nước biển nhiễm xạ từ vụ nổ hạt nhân của Poseidon cũng sẽ biến khu vực bị ảnh hưởng thành “vùng đất chết” trong thời gian dài.
Dù vậy, một số chuyên gia vẫn hoài nghi về tuyên bố sở hữu tàu lặn không người lái gắn đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên, nhất là khi nước này chưa chứng minh được năng lực thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp đặt cho những thiết bị như USV.
“Các tuyên bố của Triều Tiên về năng lực vũ khí mới không đồng nghĩa rằng họ đã sở hữu loại khí tài có khả năng chiến đấu như vậy”, Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, nêu lý do ông nghi ngờ năng lực tạo “sóng thần phóng xạ” của Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup ngày 23/3 tuyên bố Triều Tiên nhiều khả năng chưa thuần thục công nghệ để gắn đầu đạn hạt nhân lên các vũ khí hiện đại nhất, dù đã đạt được nhiều bước tiến trong quá trình này.
Chuyên gia Panda cũng cho rằng tuyên bố về Haeil do KCNA đưa ra có thể là “đòn tâm lý chiến” nhắm vào Mỹ và Hàn Quốc, trong bối cảnh hai nước này đang tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn.
Theo ông, Triều Tiên đang lãng phí nguồn lực để phát triển loại khí tài có thể mang đầu đạn hạt nhân dưới nước, vốn không hiệu quả hơn so với các loại tên lửa đạn đạo.
“Các tàu lặn không người lái rất dễ bị phát hiện và đánh chặn bằng các loại khí tài săn ngầm hiện đại khi chúng đi ra khỏi lãnh hải Triều Tiên”, Panda nhận định. “Ngoài ra, việc Triều Tiên phát triển khí tài như Haeil càng khiến Mỹ, Hàn có thêm động lực thúc đẩy các biện pháp tấn công phủ đầu trước khi những khí tài hạt nhân này được triển khai”.
Vũ Anh (Theo Reuters, AFP)
Để lại một phản hồi