“Theo luật pháp quốc tế, Mỹ có quyền đáp trả những hành vi vi phạm hiệp ước New START của Nga bằng cách thực hiện các biện pháp đối phó tương xứng và có thể đảo ngược, nhằm khiến Nga trở lại tuân thủ những nghĩa vụ của mình”, một phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng hôm nay cho biết.
“Vì việc Nga tuyên bố đình chỉ hiệp ước New START là không hợp lệ về mặt pháp lý nên Mỹ được phép giữ lại bản cập nhật dữ liệu trao đổi hai năm một lần giữa chúng tôi để đáp trả các vi phạm từ phía Nga”, người phát ngôn nói thêm.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Chính sách Không gian John Plumb trong khi đó cho hay Washington đã thúc giục Moskva trao đổi dữ liệu hạt nhân đúng theo mốc thời gian đã thống nhất song Nga tuyên bố sẽ không cung cấp thông tin này.
“Và như một biện pháp đáp trả ngoại giao, Mỹ cũng sẽ không cung cấp thông tin đó”, ông nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các biện pháp đối phó ngoại giao phù hợp”.
Nga chưa bình luận về thông tin Mỹ đưa ra.
Nga cuối tháng trước thông qua dự luật đình chỉ tham gia New START, hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa hai cường quốc sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới, sau khi Mỹ hồi năm 2018 quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm xa (INF) ký với Nga.
Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) được ký tại Cộng hòa Czech năm 2010 dưới thời tổng thống Nga Dmitry Medvedev và tổng thống Mỹ Barack Obama.
New START có hiệu lực năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Hiệp ước giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như số tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm để mang chúng.
Hai bên cũng phải thông báo chi tiết số lượng, địa điểm và đặc điểm kỹ thuật của vũ khí hạt nhân cho nhau. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Moskva – Washington đã trao đổi hơn 25.000 thông báo kể từ khi hiệp ước có hiệu lực.
Vũ Hoàng (Theo Reuters, CNN)
Để lại một phản hồi