“Chúng tôi có tương đối ít Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS). Chúng tôi cũng phải đảm bảo duy trì kho vũ khí và đạn dược của riêng mình”, đại tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, ngày 31/3 cho biết.
Tướng Milley cũng thừa nhận nhiều người “phóng đại một chút” về năng lực của ATACMS, loại tên lửa có tầm bắn tối đa 300 km có thể phóng từ pháo phản lực HIMARS. Một số vũ khí khác cũng có thể tập kích mục tiêu ở khoảng cách này, trong đó có máy bay không người lái (UAV).
“Anh có một số hệ thống UAV như vậy. Đây là một trong những điều chúng tôi đang xem xét để giúp thêm Ukraine. Tuy nhiên, chúng tôi hiện tại không cung cấp tên lửa ATACMS”, tướng Milley khẳng định.
Tướng Milley nói Mỹ đang xem xét ước tính về lượng đạn dược mà quân đội nước này cần trong xung đột giữa các cường quốc sau khi chứng kiến Ukraine tiêu thụ đạn nhanh chóng ra sao. Ông khẳng định Mỹ có đủ đạn dược trong kho, song cần mở rộng các cơ sở công nghiệp quốc phòng trong vài năm để tăng năng suất.
Giới chức và chỉ huy quân đội Ukraine nhiều lần kêu gọi Mỹ viện trợ tên lửa ATACMS để tập kích các mục tiêu của Nga nằm cách xa tiền tuyến. Tuy nhiên, Mỹ từ chối chuyển tên lửa ATACMS cho Ukraine do lo ngại nước này tập kích sâu vào lãnh thổ Nga, làm leo thang chiến sự và dẫn đến xung đột trực tiếp giữa Nga và Mỹ.
HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270. HIMARS có thể mang 6 rocket hoặc một tên lửa ATACMS. Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine 20 tổ hợp HIMARS cùng lượng rocket không được công bố chi tiết.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)
Để lại một phản hồi