Theo hãng tin Bloomberg, Công ty bảo hiểm ký thác liên bang Mỹ (FDIC) và Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang cân nhắc xây dựng một quỹ dự phòng cho phép cơ quan chức năng sử dụng như một công cụ hỗ trợ phòng hộ khi tâm lý sợ hãi bầy đàn khiến người dân rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng gây ra sụp đổ.
Động thái trên diễn ra sau vụ việc ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) lớn thứ 16 của Mỹ với 209 tỷ USD tài sản bị sụp đổ chỉ trong 48 tiếng đồng hồ chỉ vì tâm lý sợ hãi khiến các nhà đầu tư đua nhau rút tiền.
Nguồn tin thân cận của Bloomberg cho hay các nhà hoạch định chính sách đã nhóm họp cùng những chủ ngân hàng để thảo luận về biện pháp phòng hộ mới này nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng mới diễn ra khi Mỹ nâng lãi suất mạnh sau nhiều năm nới lỏng tiền tệ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng quỹ phòng hộ này chủ yếu là để trấn an nhà đầu tư hơn là thực sự làm “phao cứu sinh” cho các ngân hàng nhằm tránh trường hợp nảy sinh tâm lý chủ quan.
Hãng tin Bloomberg nhận định đây là động thái mới nhất của chính phủ Mỹ trước tình hình nỗi sợ đang lan rộng trong cộng đồng ngân hàng, nhà đầu tư và giới khởi nghiệp về “sức khỏe” của các ngân hàng cỡ nhỏ và vừa ở Mỹ.
Ngoài ra, FDIC đã yêu cầu các quan chức rà soát lại tình hình những ngân hàng cỡ nhỏ và vừa tại Mỹ để kiểm tra tình hình tài chính của họ, qua đó có cái nhìn tổng quan hơn về thị trường trước khi đưa ra những chính sách mới.
Nạn nhân mới?
Theo Bloomberg, việc ngân hàng First Republic Bank (FRB) cũng đang gặp nguy cơ là lý do chính khiến các cơ quan chức năng Mỹ phải cảnh giác cao độ.
Cổ phiếu của FRB đã giảm 15% trong phiên 10/3, kéo dài chuỗi giảm 34% cho cả tuần của ngân hàng này. Phía ngân hàng đã cố gắng trấn an nhà đầu tư rằng khả năng thanh khoản của họ vẫn mạnh và danh mục đầu tư của ngân hàng khá đa dạng chứ không “bỏ hết trứng vào một rỏ” như SVB.
Theo tờ Wall Street Journal, các nhà đầu tư lo ngại về những khoản lỗ không được ghi nhận của FRB cũng như việc phụ thuộc quá nhiều vào các khoản tiền gửi có thể khiến ngân hàng này lâm vào cảnh tương tự SVB khi bị rút tiền ồ ạt.
“Chúng tôi có khả năng thanh khoản 60 tỷ USD tiền gửi, chưa kể đến nguồn tiền vay vẫn còn từ FDIC và FED”, phía FRB trấn an những người gửi tiền.
Tờ WSJ cho biết cũng tương tự như SVB, giá trị thực và giá trị sổ sách của FRB bị chênh lệch quá lớn đến hàng tỷ USD. Trong khi SVB đổ quá nhiều tiền cho trái phiếu thì FRB lại đầu tư chủ yếu mảng bất động sản thế chấp.
Việc SVB sụp đổ phần lớn là do các nhà khởi nghiệp và giới startup rút tiền khỏi ngân hàng này trước những tin đồn dù tổ chức tài chính này đã có 40 năm phục cụ giới công nghệ, vượt qua được các cuộc khủng hoảng 2008 và đại dịch Covid-19.
Tương tự, FRB nhận tiền phần lớn từ các cá nhân giàu có muốn hưởng lãi suất cao trong bối cảnh FED nâng lãi suất và tình hình sẽ trở nên khá tồi tệ nếu một cuộc rút tiền ồ ạt diễn ra.
Hiện tổng tiền gửi tại FRB vào khoảng 176,4 tỷ USD, tương đương 90% số nợ của ngân hàng này tính đến 31/12/2022. Trong đó 68%, tương đương 119,5 tỷ USD tiền gửi là không được bảo hiểm, tức vượt quá giới hạn của FDIC. Số tiền không được bảo hiểm này sẽ bốc hơi hoàn toàn nếu ngân hàng bị đóng cửa như SVB.
Tương tự, hàng loạt ngân hàng khác như PacWest Bancorp (giảm hơn 35%) hay Signature Bank (giảm 23%) cũng bị giới đầu tư tra soát khi lo ngại họ sẽ lâm vào tình cảnh tương tự SVB.
CEO Paul Taylor của PacWest đã phải lên tiếng thanh minh rằng ngân hàng vẫn đang làm ăn tốt, đa dạng hóa danh mục đầu tư để hạ nhiệt tình hình. Trong khi đó Signature Bank cũng lên tiếng trấn an nhà đầu tư về việc ngân hàng này đổ tiền quá nhiều cho mảng tiền số.
*Nguồn: CNBC, Bloomberg, WSJ
Để lại một phản hồi