Ông Biden bác đề nghị trục xuất nhà báo Nga

Trao đổi với phóng viên hôm 31/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói “hiện không có kế hoạch” trục xuất các nhà báo Nga theo đề nghị của ban biên tập tờ Wall Street Journal (WSJ).

Khi được hỏi về thông điệp đối với Nga sau vụ phóng viên Evan Gershkovich của WSJ bị bắt, ông Biden nói: “Hãy phóng thích cậu ấy”.

Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 30/3 bắt Gershkovich tại thành phố Yekaterinburg, cách thủ đô Moskva khoảng 1.800 km về phía đông, với cáo buộc “làm gián điệp phục vụ chính phủ Mỹ”. Gershkovich hiện bị giam ở Moskva trong lúc chờ phiên tòa ngày 29/5.

Ban biên tập WSJ ngày 30/3 đăng bài kêu gọi trục xuất Đại sứ Nga tại Mỹ, cũng như tất cả nhà báo Nga làm việc tại đây. “Thời điểm bắt Gershkovich giống như hành động khiêu khích có tính toán nhằm làm bẽ mặt nước Mỹ và đe dọa báo chí nước ngoài đang làm việc ở Nga”, bài đăng cho hay.

Phóng viên Evan Gershkovich bị áp giải rời tòa án ở Moskva, Nga ngày 30/3. Ảnh: Reuters

Phóng viên Evan Gershkovich bị áp giải rời tòa án ở Moskva, Nga ngày 30/3. Ảnh: Reuters

Đáp lại động thái này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết “tờ báo có thể nói như vậy, nhưng điều đó không nên xảy ra”. Peskov khẳng định các quốc gia chỉ có thể trục xuất những nhà báo vi phạm pháp luật, vượt quá phạm vi hoạt động được quy định. “Hạn chế quyền của các nhà báo có lương tâm là vô lý và sai trái”, ông nói.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho rằng Mỹ không cố tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với Gershkovich. “Họ ngay lập tức chuyển sang đe dọa, trả đũa các nhà báo Nga. Nếu còn tiếp tục logic này, họ sẽ gặp phải cơn cuồng phong”, bà Zakharova nói.

Cả ông Peskov và bà Zakharova đều nói nhà báo Mỹ “bị bắt quả tang” nhưng chưa đưa ra bằng chứng.

Nhà Trắng lên án vụ bắt phóng viên và cảnh báo người Mỹ không nên đến Nga, đồng thời khuyên những người đang ở Nga nên rời đi để đảm bảo an toàn. “Việc chính phủ Nga nhắm mục tiêu vào công dân Mỹ là không thể chấp nhận được”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho hay.

Giới chức Mỹ đã liên lạc với gia đình Gershkovich cũng như tờ báo, trong khi Bộ Ngoại giao liên lạc với phía Nga. Gershkovich hiện chưa được cấp quyền tiếp cận lãnh sự, theo quan chức Mỹ.

Gershkovich, 31 tuổi, được cho là nhà báo nước ngoài đầu tiên bị bắt vì tội làm gián điệp ở nước Nga thời hậu Liên Xô. Sự việc nhiều khả năng sẽ làm leo thang cuộc đối đầu của Điện Kremlin với phương Tây trong bối cảnh chiến sự Ukraine.

Một số công dân Mỹ đang ngồi tù ở Nga, trong đó có Paul Whelan, cựu lính thủy đánh bộ bị bắt năm 2018 và bị kết án 16 năm về tội gián điệp. Whelan phủ nhận những cáo buộc này.

Huyền Lê (Theo AFP, Reuters, RT)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*