Trong báo cáo chiến lược tháng 3 mới công bố, Chứng khoán BSC đánh giá định giá P/E của VN-Index có thể vận động trong vùng 11,5 đến 12 lần trong kịch bản tích cực khi VN-Index quay trở lại vùng tích lũy 1.050 – 1.100 điểm. Thanh khoản dự báo dao động ở mức 0,6 tỷ USD/phiên sau khi thị trường cân bằng ở vùng giá sâu và hướng về vùng tích lũy trên 1.050 điểm.
Từ đó, BSC chỉ ra những yếu tố có thể tác động tới thị trường chứng khoán trong tháng 3. Cụ thể, hoạt động giải ngân đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, bên cạnh mặt bằng ngân hàng được tập trung chỉ đạo theo hướng giảm về mức phù hợp hơn để hỗ trợ nền kinh tế. Điều này có thể sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực lên thị trường. Trong khi đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 trong đó yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình dự thảo Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp, NHNN tháo gỡ khó khăn về tín dụng lĩnh vực BĐS… , từ đó tác động đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, lĩnh vực bất động sản và nhóm ngành liên quan.
Cũng liên quan tới các chính sách điều hành, nhóm tài chính, ngân hàng có thể ghi nhận ảnh hưởng khi NHNN đang dự thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật của các TCTD, Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém có thể được nới tỷ lệ sở hữu (room) của khối ngoại từ 30% lên tới 49%. Điều này sẽ giúp đảm bảo an toàn hoạt động và sự phát triển bền vững của hệ thống tổ chức tín dụng.
Về các yếu tố trên thị trường, mùa ĐHCĐ và báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023 sẽ giúp cổ phiếu có thêm nhiều thông tin hỗ trợ. Diễn biến dòng tiền từ khối ngoại và các ETF đến kỳ cơ cấu, điều chỉnh danh mục cũng có thể tác động đến thanh khoản và tạo ra xu hướng của thị trường chung.
Xét về các yếu tố quốc tế, theo BSC, nền kinh tế Trung Quốc mở cửa có một số tín hiệu tích cực và ảnh hưởng nhất định đến một số mặt hàng xuất khẩu Việt Nam và giá cả các nguyên liệu cơ bản đặc biệt thép, từ đó tạo động lực tăng trưởng kinh tế, chuỗi cung ứng toàn cầu thông suốt trở lại. Tuy nhiên, với diễn biến lạm phát và thị trường lao động, FED nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục duy trì lộ trình tăng lãi suất. BSC dự phóng FED sẽ tăng +25bps lãi suất điều hành vào tháng 3. Nếu đúng như kịch bản, động thái này sẽ gây ra tác động đến chính sách điều hành các NHTW và dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường. Chưa dừng lại, cuộc xung đột địa chính trị giữa Nga – Ukraine tiếp tục kéo dài sẽ còn gây tâm lý bất ổn, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn khu vực và thế giới.
Theo BSC, các điểm thắt của nền kinh tế cũng đã được nhận diện tuy nhiên việc triển khai các chính sách hỗ trợ vẫn chưa theo kịp mong mỏi trong thực tế. Đây là một trong những lý do khiến thị trường chứng khoán có những bước chững lại trong tháng 2 và vẫn còn khó đoán định trong tháng 3 cho dù mùa ĐHĐCĐ và công bố kết quả kinh doanh hứa hẹn hâm nóng lại thị trường.
Trên cơ sở đó, BSC đưa ra khuyến nghị đầu tư vào một số nhóm ngành như cổ phiếu đầu tư công, nhóm hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa và các cổ phiếu triển vọng tích cực trong môi trường lãi suất cao. Mặt khác, nhà đầu tư cần bám sát diễn biến dòng tiền của khối ngoại, các ETF lớn cũng như các diễn biến, sự kiện đáng chú ý trong nước và quốc tế để điều chỉnh chiến lược cho phù hợp.
Để lại một phản hồi