Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng khoảng 690 đồng/USD (tương đương 2,8%) trong 1 tháng qua, lên 25.300 VND/USD vào cuối phiên 21/10.
Tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng cũng tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 8. Cụ thể, Vietcombank, ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống hiện niêm yết tỷ giá ở mức 24.990 – 25.350 VND/USD, giảm 30 đồng so với sáng 18/10.
Tính từ đầu tháng 10 đến nay, giá USD tại ngân hàng này đã tăng khoảng 660 đồng, tương đương mức tăng 2,6% và chỉ còn cách đỉnh lịch sử chưa đầy 100 đồng. Tính từ đầu năm, tỷ giá USD niêm yết tại Vietcombank đã tăng khoảng 1.000 đồng, tương đương khoảng 4%.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành hơn 12.000 tỷ đồng tín phiếu qua kênh thị trường mở để hút VND.
Tại chương trình Khớp lệnh, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBankS đánh giá trong giai đoạn gần đây, câu chuyện tỷ giá Việt Nam nói riêng và thị trường emerging market nói chung chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.
Đầu tiên là Fed có thể sẽ kéo dài thời gian hạ lãi suốt hơn so với kỳ vọng, chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD) đã tăng liên tiếp lên mức 103 – cao nhất trong vòng 4 tuần trở lại đây. Khi mà USD-Index tăng cao thì tỷ giá của các thị trường mới nổi yếu trở lại trong khoảng 2 tuần trở lại đây.
Thứ hai, số liệu kinh tế Mỹ gần đây cho thấy ổn định hơn rất nhiều đang tiếp thêm sức mạnh cho đồng USD.
Thứ ba, đối với Việt Nam, tính mùa vụ có bởi vì trong những thời điểm tháng 10 hàng năm, nhu cầu mua USD để nhập khẩu phục vụ nhu cầu xuất khẩu cuối năm cho dịp lễ noen và năm mới của phương tây. Do vậy, tỷ giá tháng 10 thường tăng cao.
Thứ tư, nhu cầu USD gần đây tăng để hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ quốc tế.
Giám đốc Phân tích VPbankS cho rằng việc tỷ giá tăng phần nhiều do yếu tố mùa vụ bởi trong thời gian tới xu hướng giảm lãi suất của Fed vẫn được duy trì. Vì vậy, đồng USD có thể chững lại và giảm sau nhịp này. Hơn nữa, sau tháng 10, nhu cầu USD có thể giảm bớt và giúp tỷ giá bình ổn trở lại. Cuối cùng, NHNN tiếp tục hút bớt tiền cũng kiềm giữ cho tỷ giá không tăng quá mạnh.
Nhưng tác động của tỷ giá đối với thị trường chứng khoán là có. Khi tỷ giá tăng trở lại, ngay lập tức nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn ròng trên thị trường chứng khoán. Yếu tố tỷ giá với xu hướng rút ròng của nước ngoài vẫn là một yếu tố ảnh hưởng đến thị trường ít nhất trong ngắn hạn.
“Đối với việc NHNN hút tín phiếu tác động thế nào với TTCK, dữ liệu lịch sử cho thấy vào thời điểm NHNN hút ròng thì TTCK khó lên. Do vậy, việc NHNN hút ròng gần đây có thể ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và dòng tiền trên kênh thị trường liên ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong ngắn hạn”, ông Trần Hoàng Sơn cho biết.
Về diễn biến thị trường chứng khoán thời gian vừa qua, dòng tiền tập trung mạnh vào nhóm ngân hàng nhưng chỉ số vẫn chưa vượt qua vùng 1.300 điểm. Gần đây, nhóm ngân hàng bắt đầu chững lại khiến thị trường chậm nhịp và vị chuyên gia cho rằng đây là thời điểm phải xây dựng kịch bản thận trọng hơn.
Bởi, theo dữ liệu của VPBankS thì thanh khoản thị trường đã có dấu hiệu giảm sang tháng thứ 3 liên tiếp. Thị trường muốn vượt 1.300 điểm thì thanh khoản phải tăng và tăng rất mạnh, thường trung bình trên mốc 25.000 tỷ đồng, còn hiện tại đang khoảng 16.000 – 17.000 tỷ đồng.
Để lại một phản hồi