Số phận hai siêu du thuyền của Saddam Hussein

Hai siêu du thuyền nằm ở ngã ba sông Tigris và Euphrates ở Iraq là minh chứng cho sự xa hoa của cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein. Hai con thuyền chỉ cách nhau vài trăm mét, nằm trên tuyến đường thủy Shatt al-Arab ở thành phố Basra, miền nam Iraq.

Ông Saddam Hussein làm tổng thống Iraq từ năm 1979 tới 2003, khi liên minh do Mỹ dẫn đầu tấn công nước này. Ông bị tòa án Iraq kết tội chống lại loài người vì liên quan vụ giết 148 người Hồi giáo dòng Shiite năm 1982 và bị kết án tử hình, hành quyết vào ngày 30/12/2006.

Tuy nhiên, một số người Iraq, nhất là những người Arab dòng Sunni, nhìn lại thời kỳ Saddam nắm quyền với nhiều tiếc nuối. Những giai đoạn ổn định kéo dài ở Iraq trái ngược với tình trạng bạo lực lan tràn khắp nước sau khi ông bị lật đổ. Ông Saddam cũng được một số người Arab ngưỡng mộ vì cuộc chiến năm 1980-1988 với Iran, việc ông đối đầu với Mỹ và tấn công Israel.

Số phận hai siêu du thuyền của cựu tổng thống Saddam Hussein

Số phận hai siêu du thuyền của cựu tổng thống Saddam Hussein

Du thuyền Al-Mansur và Basrah Breeze trên sông Shatt al-Arab ngày 2/3. Video: AFP

Du thuyền Al-Mansur (Chiến thắng) đã bị lật sang một bên sau khi Mỹ tấn công Iraq. Con tàu thứ hai là Basrah Breeze neo đậu tại bến cảng gần đó, được trang bị bể bơi và từng có bệ phóng tên lửa, bây giờ trở thành điểm tham quan cho du khách muốn tìm hiểu quá khứ của đất nước bị chiến tranh tàn phá.

“Ai cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy sự xa hoa của du thuyền”, Sajjad Kadhim, giảng viên trung tâm khoa học hàng hải, Đại học Basra, đơn vị đang quản lý và nghiên cứu con tàu, nói.

Con tàu dài 82 mét có phòng tổng thống trang trí bằng tông màu vàng và kem, giường có màn che cỡ lớn, ghế bành sang trọng theo phong cách thế kỷ 18, phòng tắm lắp vòi nước mạ vàng.

Trong gần 24 năm cầm quyền, ông Saddam nổi tiếng là người chi tiêu xa hoa và du thuyền Basrah Breeze bàn giao năm 1981 là minh chứng. Thuyền có sức chứa gần 30 hành khách và 35 thủy thủ, có 13 phòng, ba sảnh đón khách và một sân trực thăng. Trong thuyền có một hành lang bí mật dẫn đến tàu ngầm thoát hiểm.

Kadhim cho biết Saddam lo sợ hậu quả của chiến tranh Iran – Iraq những năm 1980 nên đã trao con tàu cho Arab Saudi trước khi tàu đến Jordan. Tới năm 2007, tàu neo đậu ở Nice, Pháp và một năm sau, trở thành trung tâm cuộc tranh chấp pháp lý kéo dài.

Thuyền Basrah Breeze trên sông Shatt al-Arab ngày 2/3. Ảnh: AFP

Du thuyền Basrah Breeze trên sông Shatt al-Arab ngày 2/3. Ảnh: AFP

Chính quyền Iraq tuyên bố quyền sở hữu với Basrah Breeze sau khi phát hiện kế hoạch bán con tàu gần 35 triệu USD do một công ty đăng ký ở quần đảo Cayman thực hiện. Cuối cùng, chính phủ Iraq năm 2009 quyết định neo con tàu ở Basra vì không thể bán được.

“Tôi thích máy fax, điện thoại cũ trong buồng lái”, giáo sư đại học Abbas al-Maliki nói. “Nó gợi nhớ về thời kỳ tiền Internet”.

Tình trạng của Basrah Breeze khác hẳn so với Al-Mansur, du thuyền đang chìm một nửa, phần thân gỉ sét nhô lên khỏi mặt nước sông Shatt al-Arab. Al-Mansur dài 120 mét, nặng hơn 7.000 tấn, lắp ráp ở Phần Lan sau đó chuyển tới Iraq năm 1983, theo trang web của nhà thiết kế Đan Mạch Knud E. Hansen.

Tàu có sức chứa 32 hành khách và 65 thủy thủ. Trước khi Mỹ đưa quân vào Iraq, tàu neo đậu ở Vùng Vịnh. Nhưng Saddam đưa tàu vào sông Shatt al-Arab “để bảo vệ khỏi máy bay Mỹ”, theo kỹ sư hàng hải Ali Mohamed.

“Họ đã thất bại”, ông nói thêm.

Theo Qahtan al-Obeid, cựu quan chức phụ trách di sản ở Basra, hồi tháng 3/2003, con thuyền “bị đánh bom ít nhất ba lần nhưng chưa bao giờ chìm”.

Thuyền Al-Mansur ngày 10/4/2003, sau khi trúng tập kích của máy bay Mỹ. Ảnh: AFP

Du thuyền Al-Mansur ngày 10/4/2003, sau khi trúng tập kích của máy bay Mỹ. Ảnh: AFP

Trong ảnh chụp năm 2003, Al-Mansur vẫn nổi trên mặt nước, tầng trên cháy đen do trúng bom. Nhưng tới tháng 6 cùng năm, tàu bắt đầu nghiêng. Obeid cho hay “tàu nghiêng do môtơ bị lấy cắp, lộ khe hở và nước tràn vào làm mất thăng bằng”.

20 năm từ khi Mỹ phát động cuộc tấn công Iraq ngày 20/3/2003, chính quyền Iraq đang phát động chiến dịch dọn sạch xác những con thuyền nhỏ mắc cạn ở Shatt al-Arab.

Nhưng theo ông Obeid, du thuyền Al-Mansur “rất lớn, phải tháo dỡ rồi mới dọn được” và quá trình này sẽ “tốn kém, khó khăn”.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*