Cụ thể, Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Đức Trí (Công ty Đức Trí) đồng ý góp vốn phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Sudico, thực hiện kinh doanh tại dự án Khu đô thị Nam An Khánh và không giới hạn các mục đích khác tùy theo nhu cầu vốn của Sudico.
Giá trị góp vốn dự kiến 880 tỷ đồng, thời hạn góp vốn hợp tác là 12 tháng kể từ ngày chuyển vốn góp lần đầu tiên.
Công ty Đức Trí sẽ hưởng lợi ích việc góp vốn bằng lãi phát sinh từ vốn góp cộng với lợi ích tăng thêm. Trong đó, lãi phát sinh phát sinh sẽ là lãi suất cho vay theo thông báo của Ngân hàng TMCP Việt Á tại từng thời kỳ và được thay đổi 3 tháng/lần áp dụng suốt thời gian thực hiện hợp đồng; lợi ích tăng thêm được tính là 0,1% giá trị vốn thực góp/năm.
Ngược lại, Sudico sẽ dùng các tài sản làm tài sản đảm bảo bao gồm quyền tài sản phát sinh từ các lô đất cao tầng ký hiệu CT4, CT5, CT6 với diện tích 43.797 m2 tại Dự án Khu đô thị Nam An Khánh và phần mở rộng Khu B; quyền tài sản phát sinh từ các lô đất cao tầng ký hiệu CT3 với diện tích 23.369 m2 tại Dự án Khu đô thị Nam An Khánh và phần mở rộng Khu B; quyền tài sản phát sinh từ các lô đất thấp tầng với diện tích 19.514 m2 với ký hiệu TT121, TT122, TT123, TT124 và TT45 tại Dự án Khu đô thị Nam An Khánh và phần mở rộng Khu B.
Theo tìm hiểu, Công ty Đức Trí có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, thành lập ngày 12/12/2014, địa chỉ tại số 131 Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP. Hà Nội và người đại diện pháp luật là bà Phạm Thị Ngọc Thạch (sinh năm 1991). Đơn vị hoạt động chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác.
Ngoài ra, bà Phạm Thị Ngọc Thạch đang còn là đại diện pháp luật của CTCP Đầu tư Xây dựng và hỗ trợ phát triển vận tải Phúc An.
Kinh doanh dưới giá vốn, Sudico thoát lỗ quý IV/2022 nhờ phát sinh khoản thu nhập khác tại dự án Hòa Hải – Đà Nẵng
Trong quý IV/2022, Sudico ghi nhận doanh thu đạt 11,61 tỷ đồng, giảm 94,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 96,35 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 3,25 tỷ đồng.
Trong kỳ, Công ty kinh doanh dưới giá vốn, điều này dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận âm 9,83 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 14,21 tỷ đồng, tức giảm 24,04 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 70,8%, tương ứng giảm 1,82 tỷ đồng về 0,75 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 3,4%, tương ứng giảm 0,43 tỷ đồng về 12,25 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận lãi đột biến 157,55 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 3,31 tỷ đồng, tức tăng 160,86 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong quý IV/2022, Công ty kinh doanh dưới giá vốn, Công ty đã thoát lỗ nhờ vào ghi nhận lợi nhuận khác tăng đột biến.
Công ty thuyết minh thu nhập khác tăng đột biến trong quý IV/2022 do phát sinh khoản thu nhập khác tại dự án Hòa Hải – Đà Nẵng.
Lũy kế trong năm 2022, Sudico ghi nhận doanh thu đạt 379,64 tỷ đồng, giảm 49,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 119,19 tỷ đồng, tăng 41,6% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, Sudico đặt kế doanh thu 1.181 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 264 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 178,43 tỷ đồng, Công ty không hoàn thành kế hoạch và chỉ đạt 67,6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tuy nhiên, sau khi hết năm tài chính 2022, Sudico mới điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2022 từ 264 tỷ đồng về 145 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch sau điều chỉnh, năm 2022, Công ty lại vượt 23,1% kế hoạch lợi nhuận năm.
Dòng tiền âm kỷ lục từ khi niêm yết năm 2006 với giá trị âm 659,95 tỷ đồng
Xét về dòng tiền, trong năm 2022, dòng tiền kinh doanh chính tiếp tục ghi nhận âm 659,95 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 398,1 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 403,3 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Được biết, kể từ năm 2006 (thời điểm niêm yết cổ phiếu SJS) tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh chính âm vượt số 659,95 tỷ đồng. Trong đó, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2021 với giá trị 398,07 tỷ đồng. Như vậy, Công ty tiếp tục mô hình kinh doanh thâm hụt vốn và ghi nhận dòng tiền âm kỷ lục từ khi niêm yết tới nay.
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Sudico giảm 1,7% so với đầu năm về 6.826,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 3.744,6 tỷ đồng, chiếm 54,9% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 2.301,6 tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Ngoài ra, tính tới cuối năm 2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 33,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 404 tỷ đồng lên 1.608 tỷ đồng và chiếm 23,6% tổng nguồn vốn (đầu năm chiếm 17,3% tổng nguồn vốn).
Sudico đổi chủ
Ngày 19/4/2022, Tổng công ty Sông Đà – CTCP (mã SJG – sàn UPCoM) đã bán ra toàn bộ 41,7 triệu cổ phiếu SJS để giảm sở hữu từ 36,65% về còn 0% vốn điều lệ và chính thức không sở hữu tại công ty. Ngược lại, CTCP Thương mại dịch vụ Đầu tư An Phát lại mua vào 41,7 triệu cổ phiếu SJS để nâng sở hữu từ 0% lên 36,65% vốn điều lệ.
Được biết, CTCP Thương mại Dịch vụ Đầu tư An Phát là một doanh nghiệp thành lập năm 2016 có trụ sở tại tầng 3, Tòa nhà Lotus, số 2 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội.
Chủ tịch HĐQT của An Phát là ông Phạm Thành Huy (sinh năm 1977) hiện đang là người đại diện theo pháp luật của CTCP Mặt trời Sông Hồng – doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Mặt trời Sông Hồng là chủ đầu tư của dự án “Khu đô thị Sông Hồng” tại xã Mê Linh – xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Nhiều tài sản liên quan đến dự án này được dùng làm tài sản đảm bảo tại Ngân hàng Việt Á – ngân hàng hiện cũng là chủ nợ chính của Sudico.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/3, cổ phiếu SJS đóng cửa giá tham chiếu 44.500 đồng/cổ phiếu.
Để lại một phản hồi